Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có ba Cảng cá (Cảng cá Lạch Trường, Cảng cá Lạch Hới và Cảng cá Lạch Bạng). Hiện 03 Lạch nối từ cảng ra biển đã bị bồi lắng nghiêm trọng gây khó khăn cho các tàu thuyền ra vào và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của ngư dân.
Cảng cá Lạch Trường, thuộc địa phận xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, Cảng cá Lạch Bạng, thuộc địa phận hai phường Hải Thanh và Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là khu vực đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của ngư dân ven biển tỉnh Thanh Hóa, đây là nơi neo đậu và trú bão của hàng trăm tàu thuyền.
03 Lạch: Lạch Hới, Lạch Trường, Lạch Bạng có tổng chiều dài khoảng 4000m tạo thành những dòng sông nhỏ nối cảng cá với biển. Tuy nhiên vài năm gần đây cả 03 khu vực này đã bị bồi lấp, gây khó khăn cho việc ra vào của tàu, thuyền của ngư dân khiến một số tàu bị mắc cạn, bị gãy chân vịt, bánh lái…
Được biết từ năm 1014 đến 2017, một số Lạch đã được triển khai và thực hiện các biện pháp như nạo vét cho luồng tàu, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn tình trạng bồi lấp lại tái diễn.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thăng giám đốc BQL Cảng cá Thanh Hoá cho biết: Các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ các hạng mục: cầu cảng, mái che, nhà phân loại, các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu tránh trú bão đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên do đó chưa phát huy hết năng lực phục vụ.
Tại các khu vực cửa Lạch, cửa Âu, lòng Âu tránh trú bão, khu vực trước cầu cảng của cả 3 cảng cá không được nạo vét thường xuyên, nên bị bồi lắng rất nghiêm trọng dẫn đến luồng lạch bị thu hẹp, cảng và Âu bị cạn, việc ra vào cảng để bốc dỡ hàng hóa cũng như vào âu tránh trú bão của các phương tiện khai thác rất khó khăn, nhiều tàu khai thác xa bờ của ngư dân vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão phải chờ nhiều giờ, đợi thủy triều lên mới có thể vào cảng và Âu để bốc dỡ hàng hóa cũng như neo đậu tránh trú bão.
Ông Lê Văn Thăng cho biết thêm, đối với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cảng cá, khu vực trước và trong các cầu cảng, BQL cảng đã chỉ đạo nhân lực của đơn vị dọn dẹp theo lịch đã phân công đảm bảo vệ sinh. Đồng thời công tác tuyên truyền cho các chủ tàu thuyền chủ động thu gom rác thải đưa về nơi xử lý đúng quy định.
Cảng cá Lạch Bạng với chiều dài gần 1000m trên địa bàn hai phường Hải Bình và Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, được xây dựng với quy mô là cảng cấp vùng (loại I); diện tích quy hoạch: 40,6 ha. Trong đó diện tích cầu tàu và khu dịch vụ, hậu cần (mặt bằng) trên cạn: 8,7 ha; luồng vào cảng và mặt nước trước bến là 31,9 ha, thiết kế 400 mét cầu cảng, cho tàu đến 400CV cập cảng, năng lực bốc dỡ hàng thủy sản 270 tấn/ngày, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của cảng và các công trình phụ trợ kèm theo.
Theo ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình cho biết: Hiện toàn phường có 200 tàu cá (giảm so với đầu năm 2020 là 10 tàu), trong đó tàu làm nghề dịch vụ thu mua hải sản trên biển 70 (giảm so với năm 2020 hơn 30 tàu), tàu khai thác 130 (tăng so với năm 2020 là 20 tàu) chủ yếu là các nghề như: vây, chụp, câu, dê và các nghề dã; Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 136 tàu, còn lại là tàu cá từ 6 đến dưới 15 mét, số lượng lao động giao động từ 1.200- 1.500 người.
Cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá tuy đã được nhà nước đầu tư nâng cấp nhưng chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đồng bộ trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, khai thác hải sản của của địa phương trong vùng và thu hút tàu ở các tỉnh bạn về sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Cửa lạch thường xuyên bị bồi lắng và xuất hiện dải đá ngầm nên rất khó khăn cho tàu thuyền ra vào, nên hàng năm đều xảy ra tại nạn gây thiệt hại lớn về tài sản cho ngư dân.
Hiện tại, có những nơi mực nước trên các cửa sông chỉ đạt độ sâu dưới 1m, gây nguy hiểm cho các tàu chạy qua khu vực như hiện tượng bị gãy bánh lái, gãy sải cánh chân vịt. Các tàu có công suất lớn từ 400-1000CV ra vào cảng rất khó khăn, phải đợi thủy triều lên mới vào cảng được hoặc phải neo đậu ngoài xa, dùng thuyền công suất nhỏ để vận chuyển hải sản vào bờ, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản và giá thành sản phẩm.
Ông Trần Văn Sơn cho biết thêm, đối với công tác quản lý, theo dõi, đảm bảo vệ sinh môi trường, UBND phường Hải Bình phối hợp cùng các ban ngành làm việc với các nhà máy sản xuất, kinh doanh hải sản trên địa bàn phường. Năm 2022 đã lập biên bản xử lý các nhà máy xả thải không đúng quy định pháp luật. Theo đó, năm 2023 tình trạng xả thải đã được kiểm soát.
Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: Cảng cá Lạch Trường có chiều dài khoảng 2000m với 103 tàu cá công suất lớn từ 350CV đến 820CV bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự bồi lắng của cửa lạch trong những năm qua nên chỉ có 15 tàu công suất nhỏ (công suất dưới 200CV) và 404 bè mảng (công suất khoảng 100CV) mới ra vào cảng được. Các tàu lớn buộc phải cập vào các cảng khác ở tỉnh bạn để tiêu thụ hải sản, gây tổn thất lớn cho công tác hậu cần nghề cá tại địa phương. Nguyên nhân chủ yếu của sự bồi lắng là do yếu tố tự nhiên, thủy triều dâng kéo theo lượng phù sa vào bờ.
Theo ông Đỗ Xuân Chung chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: Hằng năm, vào ngày Môi trường Thế Giới (5/ 6) chúng tôi tổ chức ra quân vệ sinh môi trường khu vực cảng cá và dọc bãi biển. Hàng tuần, kết hợp với các cơ quan, đoàn thể ở địa phương như giáo xứ Ba Làng, đoàn thanh niên để thu gom rác thải từ khu vực núi Thổi đến núi Du Xuyên. Sau đó rác được chuyển bằng xe chuyên dụng đến xử lý tại nhà máy xử lý rác Trường Lâm.
Trước đó, ngày 18/3/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã có Công văn số 3566/ UBND – NN về nội dung nạo vét và thanh thải dãi đá ngầm đoạn từ KO-KO+900 trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng – Đảo Hòn Mê, tỉnh Thanh Hóa.
Để đạt được mục tiêu kinh tế đề ra và đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản và tàu tránh trú bão ra vào các cảng được thuận lợi. BQL Cảng cá Thanh Hoá và chính quyền cũng như toàn thể nhân dân trong 3 cảng cá của tỉnh mong mỏi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp mở rộng cảng.
Nạo vét thông luồng lạch để cho việc ra vào cảng của tàu thuyền được thuận lợi, tăng số lượt các tàu thuyền giao thương để phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế – xã hội nói chung.
Ngọc Thêm – Thanh Huệ