UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất đầu tư hạng mục quan trọng của cảng Trần Đề với tổng vốn 19.403 tỉ đồng

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa gửi công văn đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Chính phủ ưu tiên đầu tư một số hạng mục quan trọng của cảng Trần Đề trong giai đoạn 2025-2030. Tổng vốn đầu tư công cho các hạng mục này dự kiến đạt 19.403 tỉ đồng.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cảng Trần Đề sẽ bao gồm các bến tổng hợp, bến container, bến hàng rời và bến cảng khách. Cảng này được quy hoạch ngoài khơi, đóng vai trò là cảng cửa ngõ quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Cảng Trần Đề sẽ có khả năng tiếp nhận các loại tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT (tàu tổng hợp, container) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, và tàu hàng rời có trọng tải lên đến 160.000 DWT.
Dự án phát triển cảng Trần Đề dự kiến sẽ bao gồm một khu vực cảng với diện tích 411,25 ha, trong đó giai đoạn đầu sẽ phát triển 81,60 ha. Cầu cảng dài 5.300 m sẽ tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (6.000-8.000 teus) và tàu hàng rời 160.000 DWT.
Giai đoạn khởi động sẽ xây dựng hai bến dài 800 m cho tàu tổng hợp và container, hai bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải lớn. Cảng còn được trang bị hệ thống kè chắn sóng dài 9.800 m (giai đoạn khởi động dài 4.000 m) và cầu vượt biển dài 17,8 km, rộng 28 m với 6 làn xe (giai đoạn khởi động có 2 làn xe rộng 9 m). Đường kết nối từ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đến cảng Trần Đề dài khoảng 6,3 km.
Khu dịch vụ hậu cần và logistics của cảng Trần Đề có quy mô khoảng 4.000 ha, bao gồm các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước và điện động lực (giai đoạn khởi động diện tích 1.000 ha).
Tổng mức đầu tư dự án cảng Trần Đề ước tính khoảng 162.730 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn khởi động cần 44.695 tỉ đồng, bao gồm 19.403 tỉ đồng từ vốn đầu tư công và 25.292 tỉ đồng từ vốn đầu tư tư nhân. Giai đoạn hoàn thiện của dự án sẽ yêu cầu tổng mức đầu tư 162.731 tỉ đồng, với 46.476 tỉ đồng từ vốn đầu tư công và 116.255 tỉ đồng từ tư nhân.
UBND tỉnh Sóc Trăng nhận định rằng, do dự án có vốn đầu tư lớn và khả năng thu hồi vốn chậm, đồng thời được triển khai ở khu vực đặc biệt khó khăn, việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa cho các bến cảng là cần thiết. Tuy nhiên, cần ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để phát triển các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu như cầu vượt biển, đê chắn sóng, luồng tàu và hệ thống giao thông kết nối.
Tỉnh Sóc Trăng mong muốn Bộ Giao thông vận tải xem xét và trình Chính phủ ưu tiên đầu tư các hạng mục cần thiết của cảng Trần Đề trong giai đoạn 2025-2030, với tổng vốn đầu tư công là 19.403 tỉ đồng.
PV