Làng chài cuối cùng trên phá Tam Giang

34

Qua khỏi cầu Tam Giang, làng chài có tên là xóm Sáo (xã Điền Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) hiện ra yên bình trong ánh chiều tà với hàng chục ngôi nhà chồ dựng trên mặt nước.

Xóm Sáo – xóm nhà chồ cuối cùng trên phá Tam Giang – Ảnh: Thái Lộc

Đây là xóm nhà chồ cuối cùng trên vùng đầm phá dài ngót nghét 20 cây số này. Tại làng chài này, biết bao vui buồn của những kiếp người mưu sinh đã trở thành một phần lịch sử của vùng phá Tam Giang…

Ở cái nhà xiêu vẹo rứa cũng sợ sập chớ, nhưng dồn tiền lo cho con học quan trọng hơn

Đêm trên phá Tam Giang

Sau khi chuẩn bị gạo mắm và lò than đủ dùng cho buổi tối, anh Trần Tường (46 tuổi, chủ một nhà chồ cuối xóm Sáo) gọi chúng tôi lên đò. Quay máy nổ, anh hướng đò ra mặt phá, rẽ những loáng nước sóng sánh trong bóng đêm dần buông phủ.

Vừa cầm lái, anh vừa kể về thời gian huy hoàng của nghề nò sáo: “Khoảng năm 2000 trở về trước tôm cá nhiều vô kể.

Nghề nò sáo (sáo làm bằng tre và lưới tạo thành cái bẫy hình chữ V, tôm cá vào là không ra được) ở đây sống khỏe, kiếm được 1-2 triệu đồng mỗi đêm là chuyện thường. Mỗi sáng đổ nò, tôm cá thấy mà mê. Bữa ni thì cạn kiệt rồi!”.

Lộc trời chẳng đãi được mãi. Một thời gian dài, nơi con phá này người ta đua nhau làm nò sáo, lưới, ghe cào, kích điện… khiến tôm cá ngày càng ít.

Giữa thập niên 2000, sau những cảnh báo của các nhà chuyên môn và các tổ chức phi chính phủ, chính quyền đã sắp xếp lại nò sáo và bảo vệ con phá chặt chẽ hơn.

Vì vậy các trộ sáo (khu vực quây lưới và cắm cọc tre dài chừng 200m để đặt sáo) ít hơn nhiều so với trước, dân vạn đò thường chia ra một trộ sáo là 2-3 hộ thay phiên nhau.

Anh Tường cho biết: “Cứ tới lượt hộ nào thì hộ đó ra ngủ đêm canh sáo. Cứ luân phiên, ai cũng có cái ăn, lại giữ được nguồn tôm cá”.

Sau đó, mỗi năm một lần họ lại dành ra mười mấy triệu đồng thay lưới và tre đã mục rách. Dõi theo hướng anh chỉ, chúng tôi thấy những vạt tre lưới nhấp nhô tận ngoài xa, hệt như những cánh đồng trơ gốc rạ nếu ví mặt nước là một thửa ruộng khổng lồ.

Những thế hệ làm nò sáo

Không giống cảnh anh Tường và những người ngủ lại canh sáo giữa mênh mông trời nước, xóm nhà chồ có phần tươi vui hơn.

Khi đêm đặc quánh, bữa cơm qua loa đã dọn xong, những đứa trẻ tụm lại ở góc nhà ôn bài hoặc bày trò chơi. Mấy con đò nếu không ra trộ thì nằm lắc lư trên lạch nước ven đê trước nhà.

Cách nhà anh Tường chừng 6-7 căn là nhà của ông Phan Dạc (80 tuổi) và bà Hoàng Thị Huy (82 tuổi). Vợ chồng ông được cho là “khai canh” xóm Sáo, đến ở từ năm 1965.

Tuổi cao nhưng còn rất minh mẫn, ông bà thay phiên nhau kể: “Hồi trước gia đình tui ở phía bên kia phá, khi lấy nhau qua đây sống. Hồi nớ khu ni hoang vu sình lầy, tui dựng nhà ở rồi sống bằng nghề sáo. Dần dần xóm nì đông hơn, cũng rặt một nghề làm sáo”.

Đến năm 1985, cơn bão dữ quét qua xóm. Nhiều nhà chồ xiêu vẹo, ngã đổ. May mà người không việc gì. Một số hộ chuyển vào ở trong làng, nhiều hộ tiếp tục bám trụ xóm chồ.

Vợ chồng ông Dạc từ lúc ráp vào nhau sinh liền 10 người con. Ngồi kế cha mẹ, anh Phan Thu (46 tuổi) cho biết hiện mình và hai anh trai cũng sống bằng nò sáo.

“Cha tôi mới nghỉ sáo mấy năm ni, nghề ăn vào máu chừ khó bỏ lắm. Ông như nhân chứng của cái xóm ni, trước có mấy cụ nữa nhưng về với tổ tiên rồi” – anh nói.

Căn nhà chồ xập xệ cuối xóm Sáo là của gia đình anh Trần Dũng và chị Hà Thị Mến. 41 tuổi, anh Dũng sống ở đây đã 23 năm, còn chị Mến ở từ nhỏ.

Chúng tôi thật sự nể sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ này khi nghe chị kể cảnh nhà mình: “Nhà tui ba đời làm sáo rồi. Tới lượt canh sáo thì vợ chồng cùng ra đò, bỏ 6 đứa con ở nhà, đứa lớn chăm đứa nhỏ.

Nhiều tối tui cũng lo lắm vì lỡ chúng đùa nhau rồi té xuống nước, nhưng may trời thương nên chúng đều khỏe mạnh. Năm đứa đầu toàn là gái, có đứa út là trai mới hơn 4 tháng tuổi”.

Thường vào tháng 8 tháng 9 âm lịch, những cơn bão tới, cả nhà dắt díu nhau lên xóm chợ cách đó non cây số ở nhờ nhà người ta trong 4-5 ngày. Cuộc sống cứ vậy trôi như dòng nước trên con phá.

Ở xóm này không chỉ có đàn ông làm nghề nò sáo. Bà Phạm Thị Lãnh (58 tuổi) cho biết bà sống ở đây đã 30 năm. Từ khi chồng mất năm 2000, cứ đêm liền ngày, cũng nhờ nò sáo mà bà thân cò lo được cho 6 đứa con.

Chị Hà Thị Mến làm lưới lừ bên căn nhà chồ để nuôi sáu người con – Ảnh: Thái Lộc

Ước mơ vào bờ

Không như những xóm vạn đò khác khi mà những đứa trẻ vừa biết mặt chữ đã phải bỏ dở việc học do cái nghèo và bị cuốn theo nghiệp chài lưới, dân xóm Sáo đã gửi lại cho con cái những giấc mơ tươi sáng.

Dạo một vòng xóm kéo dài chừng nửa cây số, xen lẫn trong chuyện cơm áo, chúng tôi nghe người ta bàn luận, hỏi thăm nhau “con gái mi tuần ni về không?”, “con chú năm ni thi khối D à?”, “nhà nớ ngó rứa mà con học giỏi”…

Dĩ nhiên, xóm này vẫn có cảnh rượu chè, cảnh sinh nở vô tư như cỏ cây rồi chật vật lo cái ăn cái mặc, nhưng sự ham học của lũ trẻ giúp người ta lạc quan hơn.

Chuẩn bị thi đại học, Trần Thị Lan (con anh Trần Dũng) cho biết cả tháng nay em lúi húi ôn thi, lại vừa trông mấy đứa em nên mệt phờ. Lan học tiếng Anh khá nên thi khối D và nếu đậu sẽ học ở Đại học Khoa học Huế.

Em bẽn lẽn: “Xóm năm ni có 8 bạn thi đại học, kế bên nhà cũng có một bạn thi khối D. Mẹ nói dù ra răng cũng phải học, không cho em làm sáo vì cực lắm”.

Tiếp lời con gái, chị Mến nói: “Hắn thi đại học, con bé kế học lớp 10, rồi lần lượt cho tới đứa kế út học lớp 2. Ở cái nhà xiêu vẹo rứa cũng sợ sập chớ, nhưng dồn tiền lo cho con học quan trọng hơn”. Chị cho biết nếu Lan thi không đậu, chị cũng khuyên con kiếm cái nghề mà học “để lên bờ”.

Trong số hai mươi mấy người cháu của ông Dạc thì hiện giờ 7 người đang học đại học ở thành phố Huế.

Các con của ông tự hào về thế hệ kế tiếp: “Không biết răng tụi hắn mê học, tự chỉ bảo cho nhau chứ người lớn ai cũng ít chữ. Nghe bảo học ra cũng khó xin việc, nhưng cứ cho tụi hắn học cho có cái hiểu biết”.

Để có thêm tiền lo cho con, các anh con trai của ông Dạc làm gia công lưới lừ (loại bẫy cá bằng lưới, có hình trụ để đặt sát đáy nước), mỗi cái lời khoảng 60.000 đồng. Sau giờ đi canh sáo, họ chong đèn còng lưng ngồi làm đến nửa đêm.

Sợ một ngày nào đó không còn tôm cá và thực hiện quy hoạch lên bờ của Nhà nước, một số hộ dân tích cóp mua được đất, cất nhà cách xóm Sáo không xa.

Anh Tường, con ông Dạc, mua được miếng đất 50 triệu đồng cất cái nhà nhỏ để sau này con cái có chỗ ở. Chị Mến cũng có căn nhà ở khu chợ nhộn nhịp. Một số hộ dân chỉ dùng nhà chồ làm nơi ở tạm khi đi canh sáo, làm lưới hay thả lừ.

Hỏi họ có muốn lên bờ không, hầu hết đều gật đầu vì như thế tốt hơn cho con cái, nhưng nghề sáo họ vẫn giữ vì trót hàm ơn phá Tam Giang.

Rời xóm Sáo trong một buổi sáng í ới tiếng mua bán cá tôm, chúng tôi chợt nghĩ nếu những căn nhà chồ mai này mất đi, chúng sẽ mang theo một nét tính cách đặc biệt của phá Tam Giang này.

Tổ chức cho dân lên bờ định cư

Theo ông Phan Văn Chín – trưởng thôn 8 (xã Điền Hải, huyện Phong Điền), thôn có 104 hộ, trong đó có 65 hộ xóm Sáo chuyên làm nò sáo, còn lại buôn bán cá tôm, tạp hóa…

Trước sự ham học của con em dân vạn đò, thôn đã lập quỹ khuyến học để giúp sức các em học sinh giỏi và sinh viên đậu đại học với nguồn tiền vận động từ người dân trong thôn.

Về kế hoạch di dời, ông Chín cho biết chính quyền đang tổ chức cho 36 hộ ở nhà chồ lên bờ định cư, người dân cũng mong muốn lên bờ sinh sống để có cuộc sống ổn định hơn.

Ông Nguyễn Xuân Công, chủ tịch UBND xã Điền Hải, cho biết năm 2012, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có chủ trương di dời các hộ sống trên mặt nước thuộc xóm Sáo, xã Điền Hải vào định cư ở khu đất ruộng cách đó chừng 100m.

Tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn chưa thông báo. Về vấn đề du lịch, ông Công cho biết đó là “chuyện dài hơi” và nếu được yêu cầu, xã sẽ vận động người dân để lại những ngôi nhà chồ, có điều kiện nâng cấp để phục vụ du lịch cộng đồng.

Theo Tuổi Trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÁO CÁO & PHÂN TÍCH

THANH HOÁ
Huế đề nghị dừng dự án thả, trồng san hô 170 tỉ đồng

Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị dừng dự án trồng, phục hồi san hô trên địa bàn vì chưa thể xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho dự án đặc thù này. Ngày 19-11, ông Nguyễn Đình Đức,

21 giờ trước

Thêm về Thanh Hoá

BÌNH THUẬN
Dạy trẻ em về cá mập là điều quan trọng để bảo tồn đại dương

Hơn một phần ba số cá mập cần hành động bảo tồn ngay lập tức, nhưng nỗi sợ cá mập thường làm lu mờ tất cả những lợi ích quan trọng của chúng đối với thế giới. Con người cần

21 giờ trước

Thêm về Bình Thuận

QUẢNG NINH
Thủy liệu pháp tắm rong biển: Tận hưởng sức mạnh phục hồi trong trải nghiệm spa tại nhà!

Thủy trị liệu là gì? Thủy trị liệu là một hình thức y học thay

21 giờ trước

Thêm về Quảng Ninh

BÀ RỊA VŨNG TÀU
Rong biển như thức ăn cho não

Tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu trước đây luôn gắn liền với hạn

22 giờ trước

Thêm về Bà Rịa - Vũng Tàu

HẢI PHÒNG
Từ thức ăn đến bồn tắm, tiềm năng của rong biển đang được khai thác

Thị trường tảo bẹ, “rau diếp biển” và các loại tảo khác đang phát triển

22 giờ trước

Thêm về Hải Phòng