Cảng cá hơn trăm tỉ chỉ 1 tàu neo đậu

28

Cảng cá Cửa Hội (Nghệ An) được đầu tư hơn 107 tỉ đồng để nâng cấp từ năm 2018, đến nay chỉ có 1 tàu cá neo đậu. Trong khi đó, tàu cá của ngư dân phải neo đậu trong khu vực tàu hàng của cảng Cửa Lò đầy nguy hiểm.

Cảng cá Cửa Hội vắng bóng tàu cá | K.HOAN

Đìu hiu bến cá

Cảng cá Cửa Hội nằm ở gần cửa biển hạ du sông Lam, thuộc P.Nghi Hải, TP.Vinh, Nghệ An. Năm 2019, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá này được thực hiện bằng nguồn kinh phí nhà nước 107 tỉ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng.

Diện tích cảng cá mới là 3,48 ha, cầu cảng dài 300 m và khu nhà phân loại hải sản rộng hàng trăm mét vuông. Dự án hướng đến phục vụ lượng hàng thủy sản qua cảng thiết kế từ 15.000 tấn/năm trở lên, đáp ứng khả năng đón tiếp cho tàu cá có công suất đến dưới 800 CV với 120 lượt chiếc/ngày trở lên.

Từng rất nhộn nhịp tàu cá ra vào, nhưng từ sau khi nâng cấp, cảng cá Cửa Hội ngày càng vắng bóng tàu, nguyên nhân là do cửa lạch bị bồi lấp, tàu lớn không dám vào vì sợ mắc cạn.

Vài năm gần đây, ngoài các tàu cá loại nhỏ của ngư dân địa phương đánh bắt gần bờ, số lượng tàu công suất lớn giảm mạnh, chỉ lác đác vài ba tàu, thậm chí từ năm 2024 đến nay, chỉ còn 1 tàu cá của 1 ngư dân địa phương neo đậu. Đó là con tàu vỏ sắt được đóng theo Nghị định 67, nhưng cũng ít khi ra khơi đánh bắt.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các tàu cá công suất nhỏ vẫn neo đậu ở khu vực gần cảng, cầu cảng dài 300 m là nơi neo đậu của một số tàu tuần tra, cứu hộ của biên phòng đậu nhờ.

Bến cá đìu hiu. Khu nhà dùng để phân loại cá rộng hàng trăm mét vuông bỏ không từ 5 năm qua. Ban quản lý (BQL) cảng cá đã cho một người dân thuê một phần khu nhà để làm kho đông lạnh, chủ yếu bảo quản hải sản được chở về từ các tỉnh phía nam, sau đó đưa ra thị trường.

“2 – 3 năm nay cảng cá này không có tàu lớn vào. Các dịch vụ hậu cần cung cấp cho tàu cá như xăng dầu, đá lạnh… phải đóng cửa, người dân cũng không có việc làm”, chủ cửa hàng đông lạnh phản ánh.

Ông Phan Tiến Chương, Giám đốc BQL Cảng cá Nghệ An, cho biết đơn vị này đang quản lý 4 cảng cá ở Nghệ An, trong đó có cảng cá Cửa Hội.

“Vài ba năm qua, cảng cá Cửa Hội tàu ra vào rất ít, hiện chỉ còn 1 tàu sắt neo đậu. Thấy cảng vắng nên một số tàu của biên phòng đến neo nhờ”, ông Chương nói.

Ông Chương cũng cho hay, cảng cá này hạ tầng được đầu tư tốt, dịch vụ hậu cần cũng phong phú, đáp ứng được nhu cầu cho hàng chục tàu cá cùng lúc.

Theo quy định, tàu cá trên 15 m không được tự neo đậu mà phải vào các cảng cá được chỉ định, trong đó có cảng cá Cửa Hội. Tuy nhiên, do cửa sông không đáp ứng được yêu cầu an toàn và thuận lợi nên tàu không vào.

Tàu lớn chỉ vào được khi thủy triều lên cao, nhưng sau đó phải ra luôn vì thủy triều rút sẽ không ra được, có khi phải nằm cả tuần.

Trái ngược với cảng cá Cửa Hội, cách đó khoảng 10 km, hàng chục tàu cá lại phải neo đậu ở cảng Cửa Lò. Đây là cảng hàng hóa, nơi các tàu hàng neo đậu để bốc dỡ hàng hóa.

Việc tàu cá neo đậu chung với tàu hàng diễn ra từ nhiều năm qua, rất nguy hiểm và làm ảnh hưởng đến luồng lạch chạy tàu khiến lãnh đạo cảng này “đau đầu” và đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo tỉnh Nghệ An xử lý nhưng chưa có kết quả.

Để “giải vây” cho cảng Cửa Lò, năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án xây dựng bến tàu cá tại P.Nghi Tân, TX.Cửa Lò, cách cảng Cửa Lò khoảng hơn 1 km về phía thượng nguồn sông Cấm. Dự án gồm các hạng mục nạo vét luồng tuyến cho tàu thuyền vào nơi neo đậu, vũng neo đậu cho tàu cá.

Do khó khăn về kinh phí nên dự án bị treo. Năm 2018, dự án được tái khởi động với việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung thêm bờ kè chống sạt lở và nơi neo đậu tàu, thuyền phòng tránh thiên tai, với tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng.

Các hạng mục bến cảng dành riêng cho khu vực neo đậu của tàu cá ngư dân đã hoàn thiện từ năm 2020, nhưng do luồng từ cửa sông Cấm vào khu bến neo đậu quá cạn vì bị bồi lấp nên tàu cá loại lớn không thể ra vào. Ngư dân vẫn tiếp tục phải neo đậu tàu ở cảng Cửa Lò.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND P.Nghi Tân, cho biết do luồng lạch quá cạn nên tàu lớn không thể vào. Ngoài ra, đường cầu cảng quá hẹp, ô tô tải rất khó tránh nhau nên đi lại khó khăn.

“Tàu lớn không vào được nên Biên phòng không thể buộc các tàu đang neo đậu ở cảng Cửa Lò vào cảng này. Phường đã đề xuất lên cấp trên kiến nghị sớm cho nạo vét luồng lạch để phát huy công năng của cảng nhưng có thể do kinh phí lớn nên chưa bố trí được”, ông Hoàng chia sẻ.

Khu nhà phân loại hải sản ở cảng cá Cửa Hội không sử dụng từ 5 năm qua, thành nơi để xe và các vật dụng của người dân | K.HOAN

Chờ nạo vét

Theo Sở NN-PTNT (nay là Sở NN-MT) tỉnh Nghệ An, nguyên nhân khiến cảng cá Cửa Hội ít tàu cá lớn ra vào vì luồng lạch vào cảng bị bồi lắng.

Tàu cá địa phương không cập cảng cá mà chỉ cập bến tư nhân hoặc neo đậu, bốc dỡ ở các bến khác do các chủ tàu muốn đậu bến cạnh nhà để tiện mua bán sản phẩm và sửa chữa ngư lưới, bảo quản ngư cụ, canh tàu.

Hoạt động khai thác thủy sản ở địa phương càng ngày càng ít do ngư dân có xu hướng đi xuất khẩu lao động, chuyển nghề khác.

Ngoài ra, việc ngư dân ngại cập cảng cá Cửa Hội còn do việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trong thực hiện công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

“Thời gian qua, sở đã chỉ đạo BQL Cảng cá chủ động làm việc với chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng tổ chức nhiều đợt gặp gỡ ngư dân, chủ tàu thuyền, chủ thu mua với nhiều điều kiện thuận lợi để tàu cá vào cảng bốc dỡ hàng hóa nhưng kết quả đến nay chưa khả quan”, báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An nêu.

Một lãnh đạo sở này cũng cho biết, theo quy định mới tại Nghị định số 57/2024 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thì Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) là đơn vị chủ trì; Sở NN-PTNT Nghệ An sẽ phối hợp với ngành GTVT khảo sát, đánh giá cụ thể, đề xuất UBND tỉnh và HĐND tỉnh xem xét cho thực hiện việc nạo vét luồng lạch, giải pháp chống bồi lấp để đảm bảo việc ra vào cảng thuận lợi hơn cho tàu thuyền.

Theo Thanh Niên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÁO CÁO & PHÂN TÍCH

THANH HOÁ
Tàu cao tốc từ trung tâm TP.HCM đi Côn Đảo giá vé bao nhiêu?

Tàu cao tốc từ cảng Sài Gòn (quận 4) đi Côn Đảo và ngược lại dự kiến sẽ hoạt động từ 28.3, khởi hành chuyến đầu tiên sáng 29.3. Theo đại diện chủ đầu tư – Công ty TNHH vận

18 giờ trước

Thêm về Thanh Hoá

BÌNH THUẬN
Quyết tâm hoàn thành tuyến đường bộ ven biển trong quý III/2025

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình là công trình giao thông trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, kết nối hạ tầng

18 giờ trước

Thêm về Bình Thuận

QUẢNG NINH
Để phát triển bền vững kinh tế biển

Là địa phương sở hữu chiều dài bờ biển trên 250km, diện tích vùng biển

18 giờ trước

Thêm về Quảng Ninh

BÀ RỊA VŨNG TÀU
Nâng cao trải nghiệm cho du khách trên Vịnh Hạ Long

Với quan điểm bảo tồn, phát huy giá trị di sản – kỳ quan thiên

18/03/2025

Thêm về Bà Rịa - Vũng Tàu

HẢI PHÒNG
Bộ Quốc phòng Dự Thảo Nghị Định Mới Quản Lý Tàu Quân Sự Nước Ngoài và Tàu Quân Sự Việt Nam

Bộ Quốc phòng vừa thông báo về việc xây dựng dự thảo Nghị định thay

18/03/2025

Thêm về Hải Phòng