Du lịch Gia Lai đang bước vào giai đoạn bứt phá, khi rừng xanh và biển cả gặp nhau, mở ra một vùng đất trải nghiệm mới mẻ, đậm đà bản sắc.

Ngày 9.7, Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (9.7.1960 – 9.7.2025) trong bối cảnh du lịch Gia Lai đang chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ ôn lại hành trình đáng tự hào của ngành, sự kiện còn mở ra tầm nhìn mới cho chiến lược phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn mới.
Từ ngày 1.7, tỉnh Gia Lai được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, tạo nên một vùng đất hiếm có, nơi hội tụ cả hai linh hồn du lịch: rừng xanh đại ngàn và biển biếc mênh mông. Nơi đây có âm vang cồng chiêng hòa cùng tiếng sóng vỗ Kỳ Co – Eo Gió, có sắc vàng hoa dã quỳ nở rộ khắp núi đồi cùng dáng cổ kính của những tháp Chăm trường tồn với thời gian.
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai, sự hợp nhất này mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho du lịch Gia Lai. Với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại gồm cảng biển, sân bay, cao tốc, cửa khẩu cùng khí hậu lệch mùa giữa hai sườn Trường Sơn, Gia Lai có thể giữ chân du khách quanh năm, không lo mùa thấp điểm.
Từ du lịch nghỉ dưỡng biển đến khám phá núi rừng, từ trải nghiệm văn hóa đến thể thao mạo hiểm, chăm sóc sức khỏe… du lịch Gia Lai đang được quy hoạch bài bản, hướng đến trở thành một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.
Những địa danh như Biển Hồ – Chư Đăng Ya (thuộc tỉnh Gia Lai cũ) hay bán đảo Phương Mai (tỉnh Bình Định cũ) đang từng bước định vị trở thành khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, các lễ hội như Festival hoa dã quỳ, lễ hội hè, chùa Bà – Nước Mặn hay các sự kiện thể thao, hội thảo khoa học quốc tế… sẽ trở thành “mùa gặt” khách du lịch mỗi năm.
Không dừng lại ở tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, du lịch Gia Lai đang tăng tốc chuyển đổi số. Việc triển khai ứng dụng du lịch Gia Lai, số hóa điểm đến qua mã QR, cơ sở dữ liệu lưu trú, quản lý thông minh… đang giúp ngành tiệm cận xu hướng du lịch thông minh của thế giới.

Các thông điệp “du lịch 3K” (không nâng giá, không tranh giành khách, không ô nhiễm) và “3A” (an toàn giao thông, vệ sinh, tính mạng) cũng đang lan tỏa, kiến tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện.
Đặc biệt, Gia Lai định hướng phát triển du lịch xanh, gắn với nông nghiệp sạch, văn hóa bản địa và khoa học. Nhiều di tích như tháp Đôi, tháp Bánh Ít đang được đưa vào mô hình “cho thuê dịch vụ gắn với phát huy giá trị di tích”, tạo sinh kế cho cộng đồng và làm phong phú hành trình du khách.
Nghề chằm nón Phú Gia, không gian văn hóa cồng chiêng, Lễ hội chùa Bà – Nước Mặn… đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành điểm nhấn trong bản sắc du lịch Gia Lai.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, du lịch Gia Lai ghi nhận bước tiến mạnh mẽ với gần 7,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 17.340 tỉ đồng. Trong đó, khu vực Bình Định (cũ) tiếp tục là “điểm hút” với khoảng 6,5 triệu lượt khách, còn khu vực Gia Lai (cũ) cũng đón gần 890.000 lượt khách, cho thấy sức lan tỏa ngày càng rộng của du lịch đại ngàn.
Với đà tăng trưởng này, ngành du lịch Gia Lai kỳ vọng sẽ đón 11,8 triệu lượt khách (tăng 12% so với năm trước), doanh thu đạt 28.500 tỉ đồng.