Ở nhiều dòng sông và đại dương trên thế giới, những hành vi kỳ lạ của cá đang thu hút sự chú ý của giới khoa học. Có loài bơi nhanh hơn bình thường, có loài lại sẵn sàng mạo hiểm, lao vào những tình huống mà trước đây chúng vốn sẽ tránh xa.

Một số thậm chí phá vỡ hoàn toàn các cấu trúc xã hội theo bầy đàn – thứ từng giúp chúng sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt. Những biến đổi này không ngẫu nhiên. Chúng là dấu hiệu của một mối đe dọa thầm lặng đang trôi lơ lửng ngay dưới mặt nước – ô nhiễm dược phẩm.
Cá “dũng cảm” bất thường vì… thuốc trị lo âu?
Hàng ngày, vô số loại thuốc dành cho con người như thuốc an thần, giảm đau hay điều trị mất ngủ đi vào hệ thống nước thông qua nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nước thải bệnh viện và cả việc xử lý sai cách các loại thuốc hết hạn. Một khi đã lọt vào môi trường, chúng không biến mất mà tiếp tục tồn tại, tích tụ trong cơ thể sinh vật và gây xáo trộn toàn bộ hệ sinh thái.
Tại Thụy Điển, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu thú vị trên cá hồi non đang di cư từ sông Dal ra biển Baltic. Họ cho cá tiếp xúc với liều cực nhỏ clobazam – một loại thuốc thường được kê cho người bị rối loạn lo âu – thông qua các thiết bị cấy chíp giải phóng thuốc chậm.
Kết quả cho thấy, những con cá dùng thuốc di chuyển nhanh hơn và với số lượng nhiều hơn so với cá không dùng thuốc. Theo nhà nghiên cứu Jack Brand từ Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, cá hồi có clobazam trong người bơi qua đập thủy điện nhanh gấp 2–3 lần so với nhóm đối chứng, có thể do chúng trở nên ít sợ hãi hơn khi đối mặt với dòng chảy mạnh quanh tuabin.
Thoạt nghe, điều này có vẻ tích cực – cá di chuyển nhanh, đến nơi sớm, vượt qua chướng ngại vật dễ dàng. Tuy nhiên, sự táo bạo trong tự nhiên không phải lúc nào cũng là lợi thế. Khi thiên nhiên đầy rẫy những kẻ săn mồi, một quyết định liều lĩnh có thể đồng nghĩa với cái chết.
Dược phẩm có mặt ở cả… Nam Cực
Trên phạm vi toàn cầu, mức độ ô nhiễm dược phẩm trong nước đang ở mức báo động. Báo cáo của Viện Cary (Mỹ) chỉ ra rằng gần 1.000 hợp chất dược phẩm đã được tìm thấy trong các nguồn nước ở mọi châu lục – kể cả tại Nam Cực.
Riêng ở Hoa Kỳ, có tới 80% các con suối có chứa dược phẩm hoặc hóa chất từ sản phẩm chăm sóc cá nhân. Những loại thuốc này vốn được thiết kế để tác động mạnh mẽ đến hệ thần kinh của con người. Điều đáng nói là cá và nhiều loài động vật khác cũng có hệ thần kinh với những thụ thể tương tự.
Khi tiếp xúc với thuốc an thần, cá trở nên ít sợ hãi, mất đi khả năng phản ứng với nguy hiểm, thay đổi thời điểm di cư hoặc thậm chí từ bỏ việc tụ đàn – một hành vi mang tính sinh tồn cực kỳ quan trọng.
Trước đây, các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho thấy cá chịu ảnh hưởng của thuốc thường trở nên lầm lì, tách biệt, phản xạ kém với nguy hiểm. Nhưng điều đáng lo ngại là các nghiên cứu thực địa tại Thụy Điển cho thấy những hành vi bất thường này không chỉ xảy ra trong điều kiện thí nghiệm mà còn xuất hiện, thậm chí rõ nét hơn, trong môi trường tự nhiên.

Một thí nghiệm tiếp theo cho thấy khi có sự xuất hiện của kẻ săn mồi, nhóm cá hồi đã tiếp xúc với thuốc không còn kết đàn chặt chẽ như bình thường. Việc mất đi khả năng tụ đàn đồng nghĩa với việc chúng dễ trở thành mục tiêu của kẻ thù hơn.
Nhà sinh thái học Michael Bertram – người dẫn đầu nghiên cứu – đã gọi hiện tượng này là “chọn lọc không tự nhiên”. Những con cá dũng cảm, táo bạo có thể sống sót trong giai đoạn đầu của hành trình di cư, nhưng lại dễ dàng bị tiêu diệt trong môi trường hoang dã nhiều rủi ro.
Điều xảy ra ở sông, không dừng lại ở đó
Ô nhiễm dược phẩm không chỉ đến từ nước thải sinh hoạt. Nó còn có nguồn gốc từ các bệnh viện, các nhà máy sản xuất dược phẩm và cả việc vứt bỏ thuốc bừa bãi. Theo Deutsche Welle, một số nhà máy xử lý nước thải gần khu công nghiệp dược có nồng độ thuốc tồn dư cao gấp hàng nghìn lần so với những nơi khác.
Điều đáng lo hơn là phần lớn nhà máy xử lý nước hiện nay chưa được thiết kế để loại bỏ dược phẩm. Một số loại thuốc đi qua hệ thống xử lý mà không hề bị phân hủy, trong khi một số khác lại biến đổi thành các hợp chất phụ vẫn còn độc hại không kém.
Dù đã có hàng chục năm nghiên cứu, tác động đầy đủ của ô nhiễm dược phẩm đến hệ sinh thái vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Các nhà khoa học đã ghi nhận ảnh hưởng rõ rệt lên hàng trăm loài – từ rối loạn hành vi đến biến đổi khả năng sinh sản.
Một điều tra khác của Viện Cary cho thấy thuốc chống trầm cảm có thể thay đổi chu kỳ sinh sản ở cá, còn hormone từ thuốc tránh thai có thể khiến cá đực phát triển tế bào trứng – một sự đảo lộn sinh học nghiêm trọng.
Khi các hợp chất này tích tụ trong cơ thể sinh vật, chúng không chỉ dừng lại ở cá mà còn đi lên chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến chim, động vật có vú và thậm chí là con người – qua nước uống và hải sản bị nhiễm độc.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, một số hướng tiếp cận để xử lý vấn đề đang được triển khai. Những công nghệ xử lý nước tiên tiến như ozon hóa, màng lọc nano cho thấy hiệu quả cao, nhưng chi phí còn lớn và chưa phổ biến.
Một hướng đi khác là phát triển các loại thuốc dễ phân hủy hơn, không để lại dư lượng độc hại trong môi trường – được gọi là “hóa học xanh”. Tuy nhiên, tốc độ áp dụng còn rất chậm. Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng các chính sách quản lý hiện tại chưa đủ mạnh.
Hiện nay, phần lớn các công ty dược tự thực hiện kiểm nghiệm môi trường cho sản phẩm của mình, dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch và kiểm soát lỏng lẻo. Thay đổi thói quen xử lý thuốc, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy phối hợp giữa các ngành – từ y tế, môi trường đến giáo dục – là những giải pháp cấp thiết.
Những con cá hồi vượt đập ở Thụy Điển có thể là một trường hợp đặc biệt, nhưng chúng cho thấy một sự thật đáng báo động: dược phẩm con người sử dụng không dừng lại trong cơ thể chúng ta.
Chúng theo dòng nước chảy ra ngoài, âm thầm tác động đến đại dương – và qua chuỗi thực phẩm, chúng lại quay trở lại với con người. Điều xảy ra ở sông không dừng ở đó. Nó lan ra biển, lên bờ, và ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới sự sống mà chúng ta đang sống trong đó.
Mỹ An theo freetheocean