Mới đây, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) chính thức tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa với mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm rác thải nhựa ngoài môi trường thiên nhiên trên địa bàn thành phố.
Theo trang thông tin điện tử Cục Biển và Hải đảo quê hương, Thành phố Đồng Hới cam kết đến năm 2030 sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm rác thải nhựa ngoài môi trường thiên nhiên trên địa bàn thành phố; Cam kết triển khai thí điểm các hoạt động can thiệp để cắt giảm phát thải nhựa từ đầu nguồn, tăng cường các biện pháp xử lý – tái chế theo hướng kinh tế tuần hoàn;
Thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, kiểm soát ô nhiễm để giảm tối đa thất thoát rác nhựa ra môi trường; Cử nhân sự phù hợp làm đầu mối phụ trách phối hợp thực hiện các hoạt động và tham gia đầy đủ cùng với Sáng kiến Đô thị giảm nhựa;
Thực hiện các công tác giám sát – đánh giá hiệu quả các hoạt động can thiệp, thực hiện báo cáo định kỳ và chia sẻ tiến độ lên trang plasticsmartcities.org
Chương trình do UBND Thành phố Đồng Hới phối hợp Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức trong khuôn khổ Hội thảo “Chia sẻ kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa” và “Lễ ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa”.
Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở thành phố Đồng Hới rất cao, năm 2019 đạt 95,5% và hướng tới năm 2025 đạt 98,5%, song ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường ở một số lưu vực sông hồ các khu chợ gần sông, bãi biển công cộng… tác động tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm du lịch, vận tải biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản…
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế toàn hoàn thông qua công tác tăng cường phân loại rác thải nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả, UBND TP. Đồng Hới đã ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 16/4/2024 để triển khai thực hiện.
Một trong những điển hình của dự án Hội phụ nữ xã Bảo Ninh đã được phát túi lưới, đồng thời vận động đội tàu cá của xã với trên 340 chiếc thường xuyên mang rác về bờ, có tháng thu được tới trên 1,1 tấn rác. Thành phố Đồng Hới mong muốn sớm trở thành thành phố biển phát triển kinh tế không mâu thuẫn với bảo tồn, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Theo kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm tư vấn trong khuôn khổ thực hiện dự án (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, 2021) về hệ thống quản lý chất thải rắn ở thành phố Đồng Hới nói chung và rác thải nhựa nói riêng cho thấy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở thành phố Đồng Hới khoảng 100,4 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 11,7%, đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ.
Các nguồn phát thải nhiều rác thải nhựa nhất là: Hộ gia đình (47,3%); Nhà hàng (25,9%) và Chợ (19,2%). Ước tính lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường là khoảng 3,36%. Tuy nhiên, sau khi đánh giá những rủi ro liên quan tới lối sống, địa hình và hệ thống quản lý chất thải rắn, tỷ lệ này có thể lên tới khoảng 8,08% trong tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh.
Qua số liệu về rác thải của địa phương, nhóm tư vấn đề xuất các giải pháp: Truyền thông, nâng cao nhận thức và giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng tái chế nhựa trong cộng đồng, hộ gia đình, khối kinh doanh và chợ;
Thí điểm các mô hình liên quan tới giảm nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng nhựa, giảm phát thải ra môi trường; Xóa các điểm nóng về rác thải, cung cấp giải pháp giải quyết tình trạng thất thoát rác ra thiên nhiên nhiên và chống tái ô nhiễm; Thúc đẩy thí điểm các mô hình phân loại rác, cải thiện thu gom và xử lý rác thải đồng thời tăng cường tuần hoàn rác thải.
Hồng Trang