Với những lợi thế, thuận lợi riêng có về kinh tế biển, nhất là kinh tế cảng biển, cùng những hoạch định, định hướng chiến lược, lâu dài, bền vững là điều kiện, là cơ hội tốt để Quảng Ninh thực hiện phát triển kinh tế biển bền vững.
Quảng Ninh có địa thế vô cùng thuận lợi với chiều dài đường biển lên đến 250km, rộng trên 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo cùng hệ thông luồng đường thủy nội địa gần 800km và hơn 130 bến cảng thủy nội địa.
Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng – vùng trung du miền núi phía Bắc, Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác tổng hợp, thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta và các nước trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh có thể phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ cảng biển.
Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế biển phát triển
Để phát huy hơn nữa lợi thế về kinh tế biển, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, xác định rõ xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch – dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển – ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.
Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.
Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch,… để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển.
Quảng Ninh thực hiện quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế – dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội. Tỉnh ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả.
Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành/lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Phát huy lợi thế, tạo đà phát triển
Những năm qua Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tỉnh tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Sân bay quốc tế Vân Đồn… nhằm kết nối các cửa khẩu, cảng biển, sân bay, qua đó nâng cao năng lực vận chuyển, xử lý hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Quảng Ninh duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong 7 năm liên tiếp 2016-2022 đạt mức GRDP tăng trưởng 2 con số; trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tổng thu ngân sách của 9 địa phương ven biển giai đoạn 2019-2022 là 117.189 tỷ đồng, chiếm 85,1% tổng thu nội địa toàn tỉnh Quảng Ninh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển giai đoạn này đạt 26.376 tỷ đồng; trong đó du lịch và dịch vụ biển chiếm tỷ trọng 32,01%, kinh tế hàng hải 31,55%, công nghiệp ven biển 35,8%…
Kinh tế biển cũng đạt được nhiều thành tựu, trong đó du lịch và dịch vụ biển đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ, thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%; thu hút 13,286 triệu lượt khách du lịch và chú trọng phát triển dịch vụ cảng hành khách, cảng hàng hóa, mở rộng hạ tầng cảng biển, nhất là khu dịch vụ hậu cần sau cảng… Nỗ lực xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế.
Bạch Dương – Minh Đức