Lần đầu tiên, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng cho thấy động vật có vú dưới biển có thể hít phải vi nhựa, theo nghiên cứu mới phát hiện các hạt vi nhựa có khả năng gây hại trong hơi thở của cá heo mũi chai ngoài khơi bờ biển Louisiana và Florida, Hoa Kỳ
Vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ có chiều dài dưới 5 mm, có tác động xấu đến sức khỏe con người và động vật trong nghiên cứu trước đây.
Nghiên cứu trước đây phát hiện hạt vi nhựa có trong mô của động vật có vú dưới biển từ quá trình tiếp xúc qua tiêu thụ và sau đó di chuyển từ đường tiêu hóa đến các cơ quan khác. Tuy nhiên, nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí PLOS One, là nghiên cứu đầu tiên khám phá ra rằng hít là con đường khả thi các loài cá voi tiếp xúc với vi nhựa.
“Chúng tôi phát hiện cá heo có thể hít phải vi nhựa, ngay cả khi chúng sống ở vùng biển cách xa mức độ hoạt động cao của con người. Điều này chứng tỏ hạt vi nhựa có ở khắp mọi nơi, bất kể quá trình đô thị hóa và phát triển của con người”, đồng tác giả Miranda Dziobak, nhà khoa học môi trường và giảng viên về sức khỏe cộng đồng tại Cao đẳng Charleston ở Nam Carolina cho biết.
Hạt vi nhựa trong không khí được tìm thấy trên khắp thế giới, thậm chí ở Bắc Cực và các vùng xa xôi khác. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn việc hít phải hạt vi nhựa ảnh hưởng đến cá heo như thế nào, nhưng họ nghi ngờ nó có thể ảnh hưởng đến phổi của loài vật này, theo nghiên cứu.
Với những phát hiện này, các tác giả nghiên cứu “thất vọng nhưng không ngạc nhiên”, Dziobak cho biết. “Chúng tôi biết nhựa đã làm ô nhiễm hầu như mọi nơi trên thế giới, vì vậy ô nhiễm ở động vật hoang dã dường như không thể tránh khỏi”.
Nghiên cứu hơi thở của cá heo
Các nhà khoa học nghiên cứu về động vật có vú dưới biển và quá trình tiêu thụ vi nhựa từ lâu đã suy đoán việc hít là một cách mà các loài động vật biển có vú có thể hấp thụ vi nhựa vào cơ thể, tương tự như cách con người hít phải các hạt nhỏ này.
Greg Merrill, nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh tiến sĩ về sinh thái học tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, người không tham gia vào nghiên cứu mới này, cho biết: “Bây giờ chúng ta có thể tự tin khẳng định điều đó”.
Merrill, tác giả chính của một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2023 phát hiện hơn một nửa số động vật có vú dưới biển được thử nghiệm có ít nhất một hạt vi nhựa bám trong mô của chúng, cho biết: “Nó mở ra vô số cuộc điều tra về hậu quả của việc tiếp xúc như vậy”.
Để kiểm tra hơi thở của cá heo, các nhà nghiên cứu lấy mẫu từ 11 con cá heo mũi chai hoang dã — sáu con từ Vịnh Barataria ở Louisiana và năm con từ Vịnh Sarasota ở Florida — trong quá trình đánh giá sức khỏe bắt và thả vào tháng 5 và tháng 6 năm 2023. Nhóm nghiên cứu giơ đĩa petri lên lỗ thở của loài động vật có vú này, qua đó cá heo hít vào và thở ra. Sau khi kiểm tra các đĩa dưới kính hiển vi, các nhà khoa học phát hiện mỗi con cá heo thở ra ít nhất một hạt vi nhựa.
Dziobak cho biết các loại nhựa tìm thấy ở cá heo tương tự như những loại nhựa được quan sát thấy trong các nghiên cứu về việc hít phải khí độc ở người trước đây, trong đó phổ biến nhất là polyester, một loại nhựa thường được sử dụng trong quần áo.
Merrill chỉ ra một nghiên cứu vào tháng 11 năm 2022 ước tính cá voi tấm sừng lớn, chẳng hạn như cá voi xanh, có thể tiêu thụ tới 10 triệu vi nhựa mỗi ngày. “Xác nhận cá voi hít phải vi nhựa cũng như tiêu thụ chúng có nghĩa là ước tính của chúng tôi về tổng lượng vi nhựa tiếp xúc với các loài này bị đánh giá thấp”, ông nói thêm trong một email.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra hạt vi nhựa trong đại dương phát tán vào khí quyển thông qua hoạt động của sóng, do đó, có khả năng các loài động vật có vú dưới biển khác thở trên bề mặt như cá heo cũng có thể tiếp xúc với các hạt này, Dziobak cho biết trong một email.
Tuy nhiên, bà nói thêm, tác giả nghiên cứu không kiểm tra các loài động vật có vú trên biển hoặc trên cạn khác nên không thể xác định được tác động lên các loài động vật khác.
Cá heo ven biển và sức khỏe con người
Bà Dziobak cho biết tác giả của nghiên cứu mới hy vọng có thể nghiên cứu sâu hơn về việc hít phải vi nhựa ở cá heo để hiểu rõ hơn về các loại nhựa mà chúng tiếp xúc và các rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe.
Cá heo mũi chai có tuổi thọ dài — ít nhất 40 năm trong tự nhiên — với một số quần thể ở cùng một khu vực quanh năm. Bà cho biết thêm, đàn cá heo thường trú có thể hữu ích trong việc phát hiện các nhiễu loạn trong môi trường địa phương và cũng có thể cung cấp thêm thông tin cho những người bơi trong cùng vùng nước, ăn cùng loài cá và sống dọc theo bờ biển.
“Đây là một phát hiện quan trọng nhưng không có gì đáng ngạc nhiên vì sự phổ biến của vi nhựa trong môi trường”, Merrill cho biết. Ông cũng là tác giả chính của một nghiên cứu mới được công bố vào thứ Tư trên tạp chí Marine Pollution Bulletin.
Merrill và các đồng tác giả phát hiện mảnh vụn nhựa trong nước có đặc điểm âm thanh tương tự như mực chết, con mồi chính của một số loài cá voi sử dụng sóng âm để săn tìm thức ăn.
Ông nói thêm: “Chúng ta có nhiều điểm chung về mặt sinh lý với các loài động vật có vú ở biển và tiêu thụ nhiều hải sản mà chúng ăn, vì vậy nghiên cứu này có ý nghĩa đáng kể đối với sức khỏe con người”.
Tây Giang (Theo CNN)