Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ – cho biết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng.
Ngày 10/1, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đây là khu vực chịu tác động nặng nề bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất và những thay đổi cực đoan về thời tiết. Những thách thức này không chỉ đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh lương thực của cả nước.
Ông Đạt dẫn lại chuyến công tác Hoa Kỳ tháng 9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động. Việt Nam được Liên Hợp Quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050”.
Theo ông Đạt, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ mục tiêu Net Zero. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ KH&CN – cho hay, mục tiêu của chương trình là cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển xanh, tuần hoàn, các-bon thấp, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam…
Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ – cho biết, BĐKH, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân tại ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị với mục tiêu là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL và là 1 trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH, Cần Thơ đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL triển khai các chương trình, dự án, tham gia các chương trình hợp tác, các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm, chương trình Net Zero là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đây không chỉ là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Dù mục tiêu đặt ra đầy thách thức nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, chúng ta sẽ biến những thách thức thành cơ hội. ĐBSCL sẽ không chỉ là vùng tiên phong trong ứng phó BĐKH mà còn là vùng có nhiều đổi mới, giải pháp về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.”
“Tôi kêu gọi tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp tục đồng hành, đề xuất các nhiệm vụ KHCN phù hợp, cụ thể hóa lộ trình và nguồn lực để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn một cách nhanh chóng và hiệu quả”, ông Đạt nói.
Theo định hướng của chương trình Net Zero, đối tượng tham gia đề xuất nhiệm vụ là các cơ quan nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức KHCN có chuyên môn và năng lực trong các lĩnh vực liên quan (các nhóm ngành về năng lượng; công nghiệp; giao thông vận tải và phát triển hạ tầng; nông – lâm nghiệp; bảo vệ môi trường)…
Theo Tiền Phong