Năm 2024, hoạt động các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn thành phố khởi sắc mạnh mẽ với nhiều đơn hàng đóng mới, sửa chữa được ký kết; các sản phẩm đa dạng từ tàu chở dầu, tàu vận tải quốc tế đến tàu du lịch chất lượng cao.
Bước sang năm 2025, ngành đóng tàu trên địa bàn thành phố dự báo tiếp tục duy trì sôi động, bước vào thời kỳ hưng thịnh mới.
Đơn hàng dồi dào
Ngày đầu năm mới 2025, Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương cùng với Công ty TNHH vận tải Việt Thuận tổ chức ký kết và khởi công đóng 8 tàu biển có thể hoạt động tuyến quốc tế. Chủ tịch HĐQT Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương Lê Đoàn Tám phấn khởi cho biết:
Đây là hợp đồng lớn, với tổng giá trị hơn 2.600 tỷ đồng, là khởi đầu thuận lợi, hứa hẹn năm 2025 hoạt động sôi động của doanh nghiệp. Năm 2024, nhờ tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Năm qua, công ty thiết lập kỷ lục về thời gian đóng mới tàu biển trọng tải 5.050DWT với thời gian từ khi đặt ky đến khi xuống nước sau 18 ngày. Với uy tín và đơn hàng hiện có, doanh nghiệp đủ việc làm cho người lao động trong vòng 2-3 năm tới, với mức thu nhập cao.
Mới đây ngày 18-1, Công ty đóng tàu Phà Rừng xuống nước thành công tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 13.000 DWT số 2, ký hiệu vỏ YN-02 mang tên BS ULSAN. Tàu BS ULSAN là con tàu thứ hai trong loạt tàu chở dầu/hóa chất gồm 8 chiếc do công ty ký hợp đồng đóng mới cho chủ tàu Hàn Quốc.
Trước đó, tàu đầu tiên được bàn giao cuối tháng 11-2024 mang tên BS HAI PHONG. Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cho biết, chỉ riêng thi công 8 tàu chở dầu/hóa chất cùng với các sản phẩm sửa chữa, đóng mới khác, công nhân công ty có việc làm và sản phẩm của lĩnh vực đóng mới đến giữa năm 2029.
Với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm năm 2024 là năm khởi sắc, sôi động khi đơn vị thi công 59 tàu đóng mới và 1 tàu sửa chữa; bàn giao 42 sản phẩm đóng mới, một sản phẩm sửa chữa và các sản phẩm cơ khí khác. Tổng giá trị sản lượng đạt 1.105 tỷ đồng, bằng 147% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế đạt 101,6 tỷ đồng, bằng 339% kế hoạch. Thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 17 triệu đồng/người/tháng. Kết quả ấn tượng trên đến từ việc Sông Cấm tiếp tục thực hiện theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, lấy sản phẩm đóng tàu xuất khẩu với Tập đoàn đóng tàu Damen – Hà Lan làm trọng tâm.
Bên cạnh đó mở rộng sang các thị trường đóng mới, sửa chữa tàu cho các khách hàng ngoài nước khác, gia công kết cấu thép và chế tạo các sản phẩm cơ khí.
Bước vào chu kỳ phát triển mới
Tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm Đàm Quang Trung thông tin, với kết quả tăng trưởng ấn tượng năm 2024 và đơn hàng mới được ký kết, năm 2025, doanh nghiệp đẩy mạnh cải tiến và đổi mới công nghệ trong dây chuyền sản xuất để thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được doanh nghiệp chú trọng.
Riêng năm 2024, công ty tổ chức 10 khóa đào tạo cho hơn 400 lượt cán bộ, công nhân viên về cấp chứng chỉ hàn quốc tế; cấp chứng chỉ nghề sắt, hàn, ống; vận hành cầu trục…
Công tác điều hành sản xuất được đặc biệt quan tâm ở các khâu như lập kế hoạch, kiểm soát thực hiện kế hoạch; chuẩn bị sản xuất, chuẩn bị bản vẽ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, vật tư trước khi thi công; thiết lập hệ thống theo dõi giờ công thực tế, để phân tích đánh giá việc thi công từng công đoạn, đề ra những biện pháp cải tiến giảm giờ công… từ đó nhanh chóng bàn giao sản phẩm đến khách hàng với chất lượng tốt nhất.
Sau hơn 10 năm hoạt động, năm 2024, nhà máy Công ty Đóng tàu Damen Sông Cấm chạm ngưỡng công suất tối đa với 40 tàu/năm. Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Damen Sông Cấm Joris Van Tienen bày tỏ, với nhiều cơ hội mới đối với lĩnh vực đóng tàu xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước, doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư nhà máy mới để nâng công suất lên 80 tàu đóng mới/năm.
Điều doanh nghiệp lo lắng cho việc mở rộng không phải đơn hàng mà là nhân lực vận hành nhà máy khi mở rộng, bởi thiếu hụt nhân lực đang là thách thức với doanh nghiệp đóng tàu.
Quyết định 1516/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có yêu cầu: “… khôi phục lại một số ngành công nghiệp trước đây vốn là thế mạnh của Hải Phòng, đặc biệt là đóng mới và sửa chữa tàu biển”.
Để thực hiện nhiệm vụ trên trước hết thành phố cần sớm có quy hoạch khu công nghiệp đóng tàu tập trung để tận dụng lợi cận sông, biển. Khi ngành công nghiệp đóng tàu phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác như cơ khí, luyện kim, điện, điện tử… cùng tăng trưởng.
Với sự khởi sắc của ngành đóng tàu, công tác đào tạo nhân lực ngành đóng tàu có tín hiệu khả quan, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, Trưởng khoa Đóng tàu, Trường đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, 3 năm qua (2022, 2023 và 2024) số lượng tuyển sinh ngành đóng tàu tại trường tăng lên, chất lượng nâng cao.
Để chuẩn bị đáp ứng xu hướng đóng tàu thế hệ mới, để nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra về tin học văn phòng MOS>=750, ngoại ngữ TOEIC450…
Với đà phục hồi, khởi sắc ngành đóng tàu, chắc chắn những năm tới, lượng sinh viên đầu vào và tốt nghiệp chuyên ngành đóng tàu nhà trường tăng lên, đủ đáp ứng yêu cầu lao động chất lượng cao của doanh nghiệp.
Theo báo Hải Phòng