Lần đầu tiên kể từ khi được phát hiện gần một thế kỷ trước, một con mực khổng lồ đã được quay phim khi còn sống trong môi trường biển sâu tự nhiên.

Cảnh quay mang tính đột phá này được ghi lại vào ngày 9 tháng 3, gần quần đảo South Sandwich ở Nam Đại Tây Dương. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có được hình ảnh sống của Mesonychoteuthis hamiltoni—động vật không xương sống lớn nhất từng được biết đến trên Trái Đất.
Cuộc chạm trán sau 100 năm chờ đợi
Con mực được phát hiện ở độ sâu gần 600 mét dưới mặt nước, bởi thiết bị điều khiển từ xa (ROV) có tên SuBastian, được triển khai từ tàu nghiên cứu Falkor (too). Chuyến thám hiểm do Viện Đại dương Schmidt dẫn đầu, phối hợp với Ocean Census của Quỹ Nippon – Nekton và GoSouth, một liên minh khoa học gồm các tổ chức từ Anh, Đức và Nam Cực.
Cá thể được ghi hình là một con mực non, dài chưa đến 30 cm – có thể đang ở giai đoạn “vị thành niên”, theo các chuyên gia.
Từ khi được phát hiện vào năm 1925, hầu hết kiến thức về loài này chỉ đến từ xác mực trong dạ dày cá voi hoặc sản phẩm đánh bắt phụ từ nghề cá biển sâu.

Xác định loài bí ẩn
Con mực non này có những đặc điểm tiêu biểu của loài mực khổng lồ: tám xúc tu ngắn, hai xúc tu dài, và đặc biệt là các móc sắc nhọn ở giữa các xúc tu—đặc điểm hiếm gặp ở nhiều loài mực khác. Những móc này được ghi rõ trong đoạn video và được xác nhận bởi các chuyên gia như Tiến sĩ Kat Bolstad và Tiến sĩ Aaron Evans.
Ngoài ra, cơ thể trong suốt và các tế bào sắc tố màu đỏ gỉ dọc thân mực (gọi là chromatophore) cho phép mực thay đổi màu sắc, giúp nó ngụy trang trong vùng biển sâu tăm tối.
Một loài hiếm khác cũng được ghi hình
Chỉ vài tuần trước đó, trong một chuyến lặn ở biển Bellingshausen, gần Nam Cực, các nhà nghiên cứu cũng ghi hình được loài mực băng trong suốt (Galiteuthis glacialis) ở độ sâu hơn 670 mét. Con mực xuất hiện với tư thế độc đáo gọi là “tư thế vẹt mào”, khi nó giơ các xúc tu lên trên đầu.
Mặc dù nhỏ hơn và trông “dễ thương”, phát hiện này vẫn rất đáng chú ý về mặt khoa học, theo lời Tiến sĩ Thom Linley.
Cả hai loài đều thuộc họ mực trong suốt (glass squid), có thân hình trong suốt và xúc tu dài có móc. Tuy nhiên, chỉ có mực khổng lồ sở hữu móc ở cả tám xúc tu, giúp các nhà khoa học phân biệt rõ ràng.

Cửa sổ nhìn vào đại dương bí ẩn
Những phát hiện này là một phần trong chuyến thám hiểm Ocean Census, nhằm khám phá các loài sinh vật mới ở những khu vực đại dương ít người biết đến.
Theo Viện Schmidt, mực khổng lồ có thể dài tới 7 mét và nặng hơn 500 kg, khiến nó trở thành động vật thân mềm lớn nhất và động vật không xương sống nặng nhất từng được ghi nhận. Đôi mắt khổng lồ, có thể rộng tới 30 cm, giúp nó nhìn rõ trong bóng tối dưới đáy biển sâu.
Tuy nhiên, mực trưởng thành vẫn còn là điều bí ẩn, bởi chưa từng có cá thể sống trưởng thành nào được quay phim. Các nhà khoa học tin rằng chúng sử dụng thị lực siêu nhạy để né tránh các thiết bị và mối đe dọa.
Bước tiếp theo của nghiên cứu đại dương
Dù đoạn phim chỉ ghi lại cá thể non, đây vẫn là một bước tiến lớn trong nghiên cứu sinh vật biển sâu. Lần trở lại Nam Cực tiếp theo của Viện Schmidt dự kiến phải chờ đến năm 2028. Trong thời gian đó, tàu Falkor (too) sẽ tiếp tục khám phá vùng biển Nam Đại Tây Dương, ngoài khơi Uruguay và Argentina. Tất cả các chuyến lặn sẽ được trực tiếp trên kênh YouTube của Viện.
“Những khoảnh khắc khó quên này luôn nhắc nhở chúng ta rằng đại dương vẫn còn đầy những điều bí
Lan Anh theo freetheocean