Nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh toàn diện, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình “xanh hóa”, ngày 22/4, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh”.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang là xu thế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực tham gia cùng với thế giới, hướng tới mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, sự thay đổi này mới chỉ diễn ra chủ yếu ở các doanh doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, mặc dù chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam lại chưa có chuyển biến rõ nét về vấn đề này.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21 và ngày càng tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Từ các hiện tượng thời tiết cực đoan cho đến khủng hoảng chuỗi cung ứng, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực – tất cả đều đang gióng lên hồi chuông cảnh báo không thể tiếp tục con đường phát triển truyền thống. Đã đến lúc phải thay đổi mô hình phát triển – chuyển mình mạnh mẽ sang một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp và có khả năng chống chịu cao hơn trước những cú sốc bên ngoài. Hiện nay, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, lại chưa có sự đầu tư thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét về vấn đề này.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết: “Chuyển đổi xanh không chỉ là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường và tiếp cận nguồn vốn, mà còn là nền tảng để nâng cao năng lực nội tại và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia”. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chuyển đổi xanh như Vingroup trong phát triển hệ sinh thái xe điện, Vinamilk, TH True Milk, Masan trong công bố lộ trình giảm phát thải, đầu tư và năng lượng tái tạo…
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp phải là vướng mắc về tài chính khi triển khai sáng kiến xanh. Với chi phí đầu tư ban đầu cao, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh khiến nhiều doanh nghiệp khó tính toán hiệu quả đầu tư, dẫn đến tâm lý e ngại khi phải quyết định thay đổi mô hình hiện tại, vốn đã ổn định theo lối truyền thống. Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và hạn chế trong tiếp cận công nghệ mới cũng gây trở ngại trong việc triển khai chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Cùng với đó là việc cơ sở hạ tầng hỗ trợ chuyển đổi xanh cũng chưa được đầu tư đồng bộ, gây trở ngại cho nhiều sáng kiến xanh từ phía doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Khôi, đại diện Viện Tony Blair đã đưa ra một số giải pháp hữu hiệu đã được áp dụng trên thế giới mà Việt Nam có thể áp dụng. Trong đó, cần xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng xanh quốc gia, trở thành nguồn lực to lớn để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Ngoài ra, cần phải rà soát và cập nhật các danh mục miễn giảm thuế nhập khẩu công nghệ xanh để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ dàng hơn và hỗ trợ các start-up đổi mới sáng tạo xanh. Đặc biệt, ông cũng đề xuất việc chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc trong sản xuất cần được làm chặt chẽ, mạnh tay hơn để đáp ứng các nhu cầu khắt khe của thị trường.
Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia cũng đã cung cấp thông tin về các xu hướng và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh; chia sẻ những khó khăn thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp trải qua trong quá trình chuyển đổi xanh. Từ đó cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi hiểu rõ hơn về các bước đi, thử thách và cách thức vượt quá các rào cản để chuyển đổi bền vững./.
PV