SỨC KHỎE CON NGƯỜI BẮT ĐẦU TỪ ĐẠI DƯƠNG
LTS: Đại dương là nơi khởi nguồn sự sống – và cũng là nơi gìn giữ sức khỏe của nhân loại trong tương lai. Thế nhưng trong khi chúng ta ngày càng chú trọng đến thực phẩm sạch, không khí sạch, nước sạch… thì môi trường biển – vốn là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái sức khỏe – lại bị xem nhẹ.
Một nghiên cứu quy mô toàn cầu công bố trên Frontiers in Public Health (2022) đã chỉ ra rằng: mối liên hệ giữa đại dương và sức khỏe con người không chỉ tồn tại – mà còn có thể trở thành nền tảng cho các chính sách y tế, dinh dưỡng, giáo dục và truyền thông cộng đồng.
Loạt bài này sẽ chuyển thể nghiên cứu đó thành những phân tích gần gũi, gắn với bối cảnh Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cụ thể về hành vi cộng đồng, chính sách truyền thông và cơ hội từ các sản phẩm biển như rong biển – tảo biển – vốn đang được báo chí và giới khoa học trong nước thúc đẩy mạnh mẽ.
Kỳ 2: Khi hành vi cộng đồng quyết định sức khỏe biển và con người
Bảo vệ đại dương không chỉ là câu chuyện môi trường. Đó là câu chuyện sức khỏe – từ mâm cơm đến tâm lý con người.

Nghiên cứu công bố trên Frontiers in Public Health (2022) chỉ ra: hành vi cộng đồng là yếu tố trung tâm trong việc gìn giữ sức khỏe đại dương và từ đó bảo vệ chính sức khỏe con người. Và để thay đổi hành vi, truyền thông y tế cần gắn chặt với những điều cụ thể, gần gũi và thiết thực.
Tâm lý và hành vi: Chìa khóa bị bỏ quên
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chỉ dựa vào cảnh báo khoa học hoặc dữ liệu môi trường, người dân thường phản ứng yếu ớt hoặc bàng quan. Nhưng khi những thông tin đó gắn trực tiếp với lợi ích cá nhân – như sức khỏe, an toàn thực phẩm, chi phí y tế – thì phản ứng thay đổi rõ rệt.
Nói cách khác, truyền thông cần chuyển từ “nói về môi trường” sang “nói về sức khỏe của chính bạn”.
Con người thường phản ứng mạnh mẽ khi lợi ích cá nhân bị đe dọa. Vì vậy, nếu chỉ tuyên truyền về “ô nhiễm đại dương” hay “đa dạng sinh học suy giảm”, cộng đồng sẽ khó cảm thấy cấp thiết.
Nhưng nếu thông điệp là: “Sức khỏe bạn sẽ tốt hơn nếu đại dương sạch hơn – vì bạn đang ăn rong biển, tảo biển, cá biển mỗi ngày,” thì bức tranh sẽ thay đổi hoàn toàn.
Một bài học quan trọng từ truyền thông biến đổi khí hậu là phân khúc khán giả – hiểu rõ họ là ai, tin vào điều gì và cần nghe gì. Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu “Sáu nước Mỹ về Biến đổi Khí hậu” đã chia công chúng thành 6 nhóm, từ “rất lo ngại” đến “phủ nhận hoàn toàn”. Từ đó, các chiến dịch truyền thông được thiết kế riêng cho từng nhóm, thay vì nói chung chung.
Điều tương tự cần áp dụng trong truyền thông về sức khỏe đại dương. Đối với một cộng đồng đánh cá ven biển, thông điệp về lợi ích sinh kế sẽ hiệu quả hơn việc nhấn mạnh sự tuyệt chủng của loài san hô. Với sinh viên đô thị, yếu tố cảm xúc hoặc kết nối du lịch, khám phá có thể thu hút hơn.
Rong biển, tảo biển – siêu thực phẩm từ đại dương
Biển & Cuộc sống gần đây đã liên tục truyền thông về giá trị của rong biển đối với sức khỏe con người. Đây là xu hướng hoàn toàn phù hợp với định hướng truyền thông gắn môi trường với dinh dưỡng.
Rong biển chứa nhiều iod, sắt, canxi và chất chống oxy hóa, giúp:
Điều hòa tuyến giáp
Tăng cường chức năng miễn dịch
Hỗ trợ tiêu hóa và làm sạch ruột
Tảo xoắn (Spirulina) được WHO khuyến nghị là thực phẩm của tương lai, vì chứa tới 60–70% protein thực vật, giàu vitamin nhóm B và axit béo thiết yếu.
Nhưng nếu biển ô nhiễm, chính những loại thực phẩm này lại tiềm ẩn nguy cơ chứa kim loại nặng, vi nhựa, và sinh độc tố – trực tiếp đe dọa sức khỏe con người.
Việt Nam: Hành vi cộng đồng & vai trò của truyền thông về sức khỏe
Với hơn 60% dân số sống ở vùng ven biển, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng làm thế nào để người dân thực sự “hành động vì biển”?
Câu trả lời nằm ở cách chúng ta truyền tải thông điệp về Sức khỏe liên quan thế nào đến bả vệ đại dương. Theo nghiên cứu của các tác giả, cần chuyển hóa kiến thức khoa học thành thông điệp truyền thông dễ hiểu. Các cơ quan báo chí, truyền hình, tổ chức phi chính phủ để lan tỏa nội dung về dinh dưỡng, sức khỏe và môi trường.
Cụ thể hơn, các đơn vị chức năng về truyền thông sức khỏe có thể tổ chức chiến dịch cộng đồng như “Ăn sạch – sống xanh”, “Hạn chế nhựa – bảo vệ sức khỏe” gắn chặt với vấn đề ô nhiễm đại dương và dinh dưỡng từ biển
Ví dụ: Chiến dịch truyền thông về sử dụng rong biển nội địa an toàn, kết hợp với khuyến cáo kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn thúc đẩy bảo vệ vùng biển khai thác.
Nói tóm lại, dù các công cụ như Chỉ số Sức khỏe Đại dương (Ocean Health Index – OHI) đã cố gắng lượng hóa mức độ “khỏe” của các vùng biển dựa trên nhiều tiêu chí, từ đa dạng sinh học đến du lịch bền vững, thì các chỉ số này vẫn chưa thực sự đến được với người dân. Lý do? Một lần nữa: truyền thông.
Cần có những “người phiên dịch” – là các nhà truyền thông môi trường – để biến các con số thành những câu chuyện dễ nhớ, giàu cảm xúc và thúc đẩy hành động. Đó có thể là hình ảnh về một ngư dân mất kế sinh nhai do cá không còn, hay một gia đình mắc bệnh đường ruột vì ăn phải hải sản nhiễm độc.
Hướng nghiên cứu đề xuất
Việt Nam cũng có thể áp dụng nghiên cứu của Frontiers in Public Health nhấn mạnh việc áp dụng các công cụ xã hội học để đánh giá nhận thức cộng đồng về “sức khỏe biển = sức khỏe bản thân”. Hiểu rõ rào cản hành vi và lý do chậm thay đổi thói quen. Và cuối cùng là đo lường hiệu quả truyền thông qua mạng xã hội, báo chí, truyền hình
Kỳ sau, chúng ta sẽ tìm hiểu các mô hình truyền thông sáng tạo giúp kết nối đại dương với sức khỏe: từ nghệ thuật, âm nhạc đến mạng xã hội và truyền thông cộng đồng – và vai trò của báo chí trong cuộc chuyển dịch này.
Hoàng Nguyên biên tập