Khánh Tiến là 1 trong 2 xã ven biển của huyện U Minh, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BÐKH) với các loại hình thiên tai: mưa bão, xâm nhập mặn, nước biển dâng… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo, khó khăn.
Nhằm cải thiện đời sống, cũng như giúp hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã thích ứng tốt với BÐKH, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Dự án “Tăng cường sự thích ứng dựa vào cộng đồng với BÐKH vùng ven biển”, giai đoạn 2023-2025 (Dự án).
Bà Lê Chúc Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Tiến, cho biết: “Dự án được triển khai nhằm nâng cao năng lực người dân về thích ứng với BÐKH thông qua tập huấn triển khai kiến thức đến người dân, hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt, lập kế hoạch thích ứng với BÐKH có người dân tham gia ở các ấp trên địa bàn xã, hỗ trợ sinh kế”.
Dự án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 5,8 tỷ đồng (tương đương khoảng 230 ngàn EURO, trong đó, Tổ chức Bánh mì Thế giới hỗ trợ 200 ngàn EURO, tỉnh đối ứng 30 ngàn EURO). Ðến nay, nhiều hoạt động, mô hình của dự án triển khai mang lại hiệu quả tích cực. Ðã hỗ trợ 47 bồn nhựa chứa nước loại 1.000 lít cho 47 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã.
Bà Châu Mộng Ni, hộ nghèo, Ấp 5, cho biết: “Nhà tôi trước đây vào mùa khô thường thiếu nước sinh hoạt do không có dụng cụ chứa nước. Nay được tặng bồn chứa được lượng nước lớn, nhất là nước mưa, nên đỡ thiếu nước sinh hoạt”.
Bên cạnh đó, dự án còn triển khai mô hình chăn nuôi gà nòi lai cho 20 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã. Theo đó, mỗi hộ nhận được 140 con gà giống, 300 kg thức ăn, thuốc phòng ngừa các loại bệnh trên đàn gà và vật tư phục vụ quá trình chăn nuôi. Tổng trị giá mô hình này 180 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 80%, người dân đối ứng 20%. Hiện mô hình đang phát triển khá tốt.
Ông Mai Văn Thoàng, Ấp 7, chia sẻ: “Tôi ham chăn nuôi, nhưng gia đình khó khăn, ít vốn nên không đầu tư làm được, nay được hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi gà, tôi phấn khởi lắm. Ngoài hỗ trợ giống, thuốc và vật tư, tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà”.
Ngoài các mô hình trên, Hội LHPN tỉnh và xã còn hỗ trợ các mô hình sinh kế thích ứng tốt với BÐKH cho người dân thực hiện: Mô hình nuôi vịt biển, có 15 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 70 con vịt giống, 300 kg thức ăn và các thiết bị canh tác, tổng trị giá 135 triệu đồng; mô hình nuôi cua thương phẩm, có 20 hộ dân tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 5 ngàn con cua giống, phân, thuốc và thiết bị canh tác, tổng trị giá 100 triệu đồng; mô hình nuôi tôm thương phẩm, có 20 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 20 ngàn con tôm giống, phân bón và thiết bị canh tác, tổng trị giá mô hình 170 triệu đồng. Tất cả các mô hình đều được dự án hỗ trợ 80%, người dân đối ứng 20%.
“Ðến thời điểm này, Hội LHPN xã đã phối hợp với các ngành có liên quan triển khai hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, với tổng nguồn kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng. Song song với triển khai các dự án, Hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tổ chức cho người dân tham quan thực tế các mô hình thích ứng với BÐKH để học tập, trao đổi kinh nghiệm và ứng dụng tại hộ gia đình, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất”, bà Lê Chúc Xuân thông tin.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, nhất là Hội LHPN các cấp, cộng với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, tin rằng giai đoạn 1 của dự án sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giúp địa phương hình thành và nhân rộng các mô hình kinh tế thích ứng tốt với BÐKH, tạo tiền đề quan trọng để triển khai giai đoạn 2 của dự án trong năm 2025, hướng đến cải tiến các mô hình sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, giúp người dân chống chịu tốt hơn trước sự thay đổi của tự nhiên, bảo vệ môi trường, sản xuất xanh và bền vững trong bối cảnh khí hậu biến đổi phức tạp, khó lường như hiện nay./.
Theo báo Cà Mau