Trước bối cảnh thị trường chứng khoán điêu đứng vì tin áp thuế từ Mỹ, chủ tịch Công ty cổ phần Nam Việt vừa quyết định mua vào lượng lớn cổ phiếu ANV, để “cứu” thị giá mã này không giảm quá sâu.

Kết phiên sáng 9-4, VN-Index giảm gần 33 điểm, lùi sâu về mốc 1.100 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu rơi vào trạng thái bị điều chỉnh, thậm chí giảm sàn. Trong đó, mã ANV của Công ty cổ phần Nam Việt còn giảm sàn tới 4 phiên liên tiếp, đưa thị giá về 12.400 đồng/cổ phiếu.
Sự sụt giảm thị giá của ANV cũng như nhiều cổ phiếu khác diễn ra ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46%.
“Do diễn biến tiêu cực và nhanh chóng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu giảm sàn liên tục đã khiến các cổ đông bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Doãn Tới – phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc ANV – nhấn mạnh tại thư gửi cổ đông sáng 9-4.
Trước tình thế này, ông Tới cho biết đã quyết định “xuất trận” để cứu nguy cho cổ phiếu ANV của Nam Việt. Theo đó, vị này sẽ đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu ANV cho ngày 9-4.
“Nếu cổ phiếu ANV tiếp tục giảm, tôi sẽ tiếp tục mua thêm cho đến khi cổ phiếu không thể giảm quá sâu thêm nữa”, ông Tới nhấn mạnh.
Đồng thời lãnh đạo ANV nhắn gửi tới cổ đông hãy yên tâm nắm giữ cổ phiếu, không nên bán ra trong thời điểm này. Cổ phiếu ANV của Nam Việt là một mã rất tiềm năng trong năm nay và cả những năm tới, ông Tới chia sẻ.
Theo báo cáo quản trị năm 2024, ông Doãn Tới nắm hơn 143 triệu cổ phiếu ANV, tương đương 54% vốn doanh nghiệp này. Các con ông Tới cũng nắm lượng cổ phần không nhỏ tại ANV.
Ngoài ra, trong thư gửi cổ đông, lãnh đạo công ty thủy sản này cũng cho biết đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để đưa ra các phương án đối phó khi Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng Việt Nam.
Cụ thể, theo lãnh đạo ANV, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Nam Việt cả ở hiện tại và tương lai, đặc biệt đối với hai sản phẩm chủ lực là cá tra và cá rô phi.
Để ứng phó, công ty sẽ đẩy mạnh việc mở rộng các thị trường hiện có mà doanh nghiệp đang xuất khẩu. Đồng thời cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, thông qua việc tự động hóa các công đoạn sản xuất.
Lãnh đạo ANV cũng khẳng định thời gian qua Mỹ không phải là thị trường trọng tâm của doanh nghiệp. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc, Brazil, Trung Đông, châu Á và Mexico…
ANV là doanh nghiệp thủy sản lớn ở Việt Nam, có trụ sở đặt ở An Giang. Về tình hình kinh doanh, năm ngoái doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 4.939 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 47,8 tỉ đồng.
Trước đó, một số doanh nghiệp khác cũng lên tiếng để trấn an cổ đông. Ngay trong chiều 4-4, lãnh đạo CII cho biết hơn 95% tổng tỉ trọng đầu tư hiện tại của doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm các dự án giao thông và bất động sản khu đô thị.
Vì vậy chính sách thuế xuất nhập khẩu – vốn ảnh hưởng chủ yếu đến các ngành có liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế – không tạo ra tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, lãnh đạo CII cho hay.
Theo Tuổi Trẻ