“Công tác chống vi phạm IUU phải được thực hiện kiên định, quyết liệt, nhất quán bằng mọi giải pháp với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất gắn với địa chỉ, con người cụ thể, nói đi đôi với làm, có hành lang pháp lý, giải pháp kỹ thuật đầy đủ” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Chiều 25/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, qua 4 đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), đến nay, tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả về: Hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFishbase), kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định các Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước… EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp Trung ương. Tuy nhiên, khâu chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều hạn chế.
Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Tỷ lệ đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, cấp giấy phép khai thác thủy sản chưa đạt mục tiêu.
Đáng chú ý, cả nước còn 7.035 tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.
Việc theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá ra vào cảng chỉ đạt khoảng 40%, sản lượng thủy sản khai thác khoảng 30%. Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản; tiếp tục xảy ra tình trạng tàu cá không cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại nhiều địa phương.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các địa phương; xảy ra tình trạng địa phương nào làm nghiêm thì tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU di chuyển sang địa phương khác, nơi thiếu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng để cập cảng bốc dỡ thủy sản, ra vào cảng, xuất nhập bến để hoạt động khai thác thủy sản.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích tình hình vi phạm và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển, khai thác sai vùng, vùng giáp ranh, chồng lấn, đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài; các hành vi, hình thức vi phạm mới; căn cứ pháp luật trong xử lý hình sự với các vụ việc hành vi tổ chức, môi giới đưa tàu cá, người đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh như tịch thu hoặc không cho tàu vi phạm ra khơi đánh bắt; xử lý tàu cá “3 không”, “tàu ma” (đã xoá đăng ký nhưng vẫn tiếp tục hoạt động), tàu mất kết nối VMS; tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác khai báo tại cảng cá.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc chống vi phạm quy định IUU phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, bảo đảm sinh kế bền vững cho ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, sau gần 7 năm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng IUU”, với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các lực lượng chức năng ở trên bờ, trên biển, nhưng những vấn đề lớn, bức xúc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do công tác tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt.
“Công tác chống vi phạm IUU phải được thực hiện kiên định, quyết liệt, nhất quán bằng mọi giải pháp với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất gắn với địa chỉ, con người cụ thể, nói đi đôi với làm, có hành lang pháp lý, giải pháp kỹ thuật đầy đủ”, Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng những giải pháp chống vi phạm IUU phải bài bản, dựa trên cơ sở khoa học, có lý, có tình nhằm giải quyết gốc rễ của vấn đề như: Phục hồi nguồn lợi hải sản cạn kiệt, bổ sung quy định đánh bắt theo mùa vụ, vùng biển; quan tâm đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho một bộ phận ngư dân…
Phó Thủ tướng yêu cầu, trước ngày 20/11, các địa phương phải hoàn thành việc xoá bỏ toàn bộ tàu “3 không”. Trên cơ sở đữ liệu rà soát “tàu ma” của địa phương, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư triển khai chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý dứt điểm các “tàu ma”.
“Không để tình trạng tàu cá hoạt động trên biển không được quản lý”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để rà soát, hoàn thiện chế tài xử lý, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý hành vi vi phạm liên quan đến giám sát hành trình; tăng mức xử phạt răn đe như tịch thu hàng hoá, tịch thu tàu cá, tịch thu bằng của thuyền trưởng; điều chỉnh quy định quản lý đánh bắt theo mùa vụ.
Các sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan đăng kiểm để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đăng kiểm, đăng ký tàu cá ngăn ngừa thay đổi số hiệu; đồng bộ thông tin lao động trên tàu cá với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Các lực lượng chấp pháp trên biển phối hợp khoanh định những vùng biển trọng điểm để tập trung giám sát hoạt động của các tàu cá nhằm nhanh chóng phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.
Bên cạnh việc kiểm soát hoạt động đánh bắt của ngư dân, Phó Thủ tướng cho rằng cần có giải pháp kiểm soát doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm hải sản được khai thác trên biển.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương nghiên cứu quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mua, bán, xuất khẩu những sản phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định IUU, có cơ chế khuyến khích kết nối với ngư dân tuân thủ IUU; để xuất các dự án đầu tư nâng cấp các cảng cá quan trọng để tăng cường năng lực quản lý hoạt động tàu cá, sản lượng khai thác đối với các loại hải sản phục vụ chế biến xuất khẩu./.
Theo Báo ĐTĐCSVN