Cắt giảm nhựa trong y tế ắt hẳn quan trọng khi ngành có hẳn chỉ thị về vấn đề này, khó khăn ở đây là thuyết phục hệ thống chăm sóc sức khỏe nằm sâu trong đất liền làm tiên phong trong việc bảo vệ môi trường đại dương.
Ở một bệnh viện nằm trên quê hương có sự tích “50 con theo mẹ Âu Cơ xuống biển”, Giám đốc, Bác sĩ Lê Anh Hải nhoay nhoáy mở máy tính in ra các tài liệu hướng dẫn hay cam kết của các bộ phận trong bệnh viện về “Giảm chất thải nhựa”.
Vừa nhìn máy tính ông vừa hỏi người đối thoại cần tài liệu năm nào. Từ 2019, kể từ khi Bộ Y tế triển khai Chỉ thị 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành, bệnh viện Phổi đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm nào cũng triển khai thực hiện.
Không biết có nên phong làm “điểm sáng” của ngành y tế Phú Thọ không nhưng bệnh viện Phổi suốt mấy năm qua triển khai các hoạt động giảm rác thải nhựa trong mọi hoạt động, từ phòng phẫu thuật, phòng khám, các bệnh nhân nội trú và ngoại trú, hạn chế tối đa sử dụng túi, chai, cốc, ống hút hoặc sử các vật dụng khác dễ phân hủy thân thiện môi trường và có thể tái chế thay cho nhựa khó phân hủy
Chỉ riêng trong năm 2022, bệnh viện Phổi đã chuyển cho đơn vị tái chế hơn bảy nghìn kg nhựa mà lẽ ra sẽ phải đưa vào bãi rác. Xét về kinh tế thì tiết kiệm được hơn 27 triệu đồng. Lợi ích thứ cấp tái chế nhựa này cũng tạo ra việc làm trong cho những người công nhân nghèo phân loại rác tốt hơn.
Phong trào giảm sử dụng và phát thải nhựa của địa phương nằm sâu trong đất liền là Phú Thọ còn được hưởng ứng ở hầu khắp các bệnh viện trên địa bàn. Lướt qua một số bệnh viện ở đây, điều có thể dễ nhận thấy nhất là hầu như không có chai nhựa dùng để đựng nước uống cho cả nhân viên cũng như bệnh nhân hay người nhà đi theo chăm sóc.
Giám đốc bệnh viện Đa khoa Việt Đức, ông Hoàng Công Lâm, chỉ cho chúng tôi xem ở mỗi phòng bệnh đều có một cây nước cung cấp cho mọi người. Bệnh nhân hay ai đó có nhu cầu, chỉ cần sử dụng cốc giấy có sẵn để uống nước.
Hay ở bệnh viện đa khoa tỉnh, bên cạnh giảm sử dụng chai nhựa trong sinh hoạt, còn đầu tư túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân thay vì sử dụng túi nilon như trước. Bà Phạm Thị Hường, 42 tuổi, ở xã Tam Nông, bị gut ban đỏ đang ngồi chờ phát thuốc theo định kỳ bảo từ ngày có túi giấy đựng thuốc kể cũng hay.
“Sử dụng xong đem nhóm bếp tiện lắm chú ạ, mà lại không phải đi vứt rác”. Tại bệnh viện lớn nhất địa phương này, mỗi năm sử dụng trong sinh hoạt cũng như điều trị thải ra xấp xỉ 11 tấn rác thải nhựa.
Anh Triệu Quốc Thường, Trưởng phòng Marketing bệnh viện Đa khoa Phú Thọ bảo khâu nào, chỗ nào giảm được sử dụng nhựa là đã triển khai thực hiện rồi. Giảm lớn nhất là phim chụp X quang. Các bác sỹ chỉ cần xem trên máy tính thay vì in ra như trước đây. Con số này soi chiếu theo số bệnh nhân của bệnh viên lên đến 3500 người, mỗi bệnh nhân tối thiểu chụp X quang một lần cũng là rất lớn.
Ở huyện miền núi, Trung tâm Y tế Tam Nông, mặc dù triển khai hàng loạt các hành động giảm thiểu sử dụng nhựa, nhưng mạnh dạn thừa nhận những cái chưa đạt trong báo cáo mới nhất đầu năm 2024 mà Giám đốc Ngô Oanh Oanh cho chúng tôi xem: “Số lượng chất thải nhựa phát sinh vẫn còn đa dạng”.
Nhưng nhìn vào kế hoạch tiếp theo bao gồm thay thế găng tay cao su khó phân hủy trong phẫu thuật, giảm phim nhựa in ra từ chụp X quang,… có thể thấy mục tiêu giảm phát thải nhưa của Trung tâm này nói riêng và ngành y tế Phú Thọ nói chung rất mạnh mẽ.
Cái hay của sự mạnh mẽ này ở việc giảm sử dụng và phát thải nhựa không chỉ xuất phát từ Chỉ thị mà ở mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới về bản chất của chính bệnh viện. Một cơ sở chăm sóc sức khỏe hàng đầu có thể tạo ra tiêu chuẩn riêng về giảm thiểu rác thải nhựa và triển khai tiêu chuẩn này đến tất cả các địa điểm và cơ sở bệnh viện của họ. Đó là cái gốc cho sự chăm sóc sức khỏe bền vững.
Cái hay nữa như Bác Sỹ Lê Anh Hải, Giám đốc tại bệnh viện Phổi chia sẻ, nhận thức rõ hơn về rác thải nhựa còn đến từ một kỳ nghỉ cùng gia đình bên bờ biển Cát Bà, Hải Phòng, khi nhìn thấy lượng rác thải nhựa bên bờ biển gây ô nhiễm như thế nào.
Không phải chuyên gia về môi trường nhưng ông Hải bảo tôi đọc đâu đó thế này, hầu hết rác thải nhựa trong các đại dương, bể chứa cuối cùng của Trái đất, đều chảy từ đất liền. Rác cũng được các con sông lớn đưa ra biển, đóng vai trò như băng chuyền, cuốn theo ngày càng nhiều rác khi di chuyển xuống hạ lưu. Khi ở trên biển, phần lớn rác nhựa vẫn còn ở vùng nước ven bờ. Nhưng một khi bị cuốn vào dòng hải lưu, nó có thể được vận chuyển đi khắp thế giới.
Bởi thế ông Hải ủng hộ việc giảm rác thải nhựa và vận động ban lãnh đạo bệnh viện có chương trình quản lý chất thải tốt hơn. Sự thay đổi không nhất thiết phải diễn ra theo cách thức sâu rộng, có chương trình về động vật biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa hay ông Hải đều đưa lên nhóm mạng xã hội của bệnh viện để mọi người cùng xem, qua đó lan tỏa tác hại của ô nhiễm nhựa đối với đại dương.
Thái Phương