Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. Sản xuất, sử dụng phân bón là một trong những khâu góp phần vào quá trình này.
Giảm khí thải nhà kính trong nông nghiệp đầu tiên cần gọi tên nhà sản xuất phân bón. Một trong những nhà sản xuất có thể gọi là khổng lồ ở Việt Nam là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) đã cắt giảm lượng lớn khí thải từ hoạt động của mình kể từ năm 2005.
Về sản xuất, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Supe Lâm Thao cho biết, công ty tiếp tục giảm hơn nữa lượng khí thải trong sản xuất phân bón bằng cách cải tiến công nghệ sản xuất Axit Sunfuric, khâu luôn tạo ra nguồn hơi nhiệt thừa. “Ngày trước, nguồn hơi nhiệt thừa đó cũng chỉ bỏ đi, nhưng nay công ty đã nghiên cứu, tận dụng nguồn năng lượng đó để sản xuất điện nhằm tiết kiệm năng lượng và đồng thời giảm tối đa khí thải carbon”; chuyển đổi công nghệ sản xuất supe lân từ quặng khô, sấy nghiền sang quặng tuyển ẩm; chuyển đổi nhiên liệu sấy NPK từ nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu sinh khối, ông Nghĩa nói
Việc sản xuất thương mại sản phẩm có hàm lượng carbon thấp bắt đầu vào năm 2021 ở nhà máy Supe Lâm Thao. Về cơ bản công ty đã nghiên cứu thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ để tạo ra loại phân bón xanh được làm từ quặng apatít, hữu cơ, vi sinh… tương đương các sản phẩm hiện có trên thị trường, nhưng với lượng khí thải carbon sẽ nhỏ hơn rất nhiều.
Ông Nghĩa nói: “Điều thú vị là những loại phân bón xanh này có đặc tính vật lý và hóa học gần giống như những loại phân bón được làm từ nguyên liệu truyền thống rất thân thiện môi trường, đặc biệt cải tạo và giảm chai sạn đất”
Theo các chuyên gia, hai phần ba lượng khí thải xảy ra ở cây trồng và đồng ruộng sau khi sử dụng phân bón và chỉ một phần ba trong quá trình sản xuất.
Những nhà máy sản xuất phân bón khác, các công ty kinh doanh sản xuất nông nghiệp khác cũng đang đổi mới công nghệ tiên tiến hơn, tìm cách để giúp giảm lượng khí thải carbon, quan tâm môi trường tốt hơn.
Thế hệ phân bón xanh giải quyết được vấn đề phát thải khí nhà kính sau khi sử dụng đang được đưa ra thị trường. Lý giải về công dụng này, ông Nghĩa cho biết, do các viên phân bón có thành phần khác, thân thiện hơn so với các loại phân bón NPK tổng hợp thông thường, làm thay đổi cách chúng phân hủy trong đất, cải thiện chất lượng đất, giảm trừ sâu bệnh cũng như cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
Supe Lâm Thao đã đưa ra thị trường trong nước và quốc tế dòng sản phẩm hữu cơ khoáng, hữu cơ khoáng vi sinh, NPK vi sinh. Công ty cũng làm việc với các đơn vị chuyên ngành tổ chức hướng dẫn nông dân sử dụng NPK vi sinh, hữu cơ khoáng Lâm Thao đúng cách, qua đó nông dân cũng có thể đóng góp vào việc giảm đáng kể lượng khí thải carbon của cây trồng.
Giảm lượng khí thải bằng cách giảm thiểu lượng phân bón mà cây trồng không hấp thụ được, đồng thời giảm lượng bón phân mà vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng, tăng cường sức khoẻ cho cây trồng giảm sâu bệnh, giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng, nên Ông Nghĩa cam kết công ty tiếp tục nỗ lực trở thành đơn vị hàng đầu giảm carbon bảo vệ môi trường của Việt Nam.
“Chúng tôi phải đóng góp bằng mọi cách có thể để xây dựng một tương lai lương thực thân thiện với thiên nhiên và ở đây, chúng tôi tăng hiệu quả sử dụng NPK vi sinh, hữu cơ khoáng Lâm Thao bằng cách cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp với yêu cầu của cây trồng. Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí vừa cho năng suất, vừa bảo vệ môi trường vừa có thực phẩm sạch”- Ông Nghĩa chia sẻ- “Chúng tôi cũng đang phát triển các công cụ để giúp nông dân quản lý chất dinh dưỡng khoa học nhất”.

Supe Lâm Thao hướng tới các giải pháp công nghệ tiên tiến cung cấp một ứng dụng theo dõi sự phát triển của cây trồng và đo lường nhu cầu Nitơ, phân bón của cây khi rải phân bón trên cánh đồng, điều chỉnh tỷ lệ bón cho phù hợp đảm bảo năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí cho nông dân.
Giải thích thêm về chuyên môn, ông Nghĩa cho biết, một số nghiên cứu cho thấy có phương pháp hóa học để giảm lượng khí thải sau khi sử dụng bằng cách bổ sung các hợp chất gọi là chất ức chế quá trình Nitrat hóa, ngăn chặn vi khuẩn đất chuyển đổi Nitơ trong phân bón thành Oxit Nitơ.
Nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng chưa có đủ thông tin về tác động môi trường của chúng để tin tưởng vào sự an toàn của chúng và chúng sẽ khiến phân bón trở nên đắt hơn.
Liên quan đến phát thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa thứ mà ảnh hưởng lớn nhất đến đại dương, ông Nghĩa cho biết, cách hiệu quả nhất để giảm lượng phát thải nhựa trong phân bón là sử dụng hữu cơ khoáng, NPK vi sinh phù hợp. Có một số loại phân bón có lượng vi nhựa lớn đó là trong phân nhả chậm.
Đây là loại phân bón bọc nhựa để nhả chậm, nhưng loại đó chủ yếu ở các nước phát triển sử dụng. Nó có ưu điểm là hạn chế lượng phân bón, để cho cây hấp thụ dinh dưỡng từ từ không lãng phí bị rửa trôi
Supe Lâm Thao chưa áp dụng phận nhả chậm như trên mà áp dụng sản xuất phân hữu cơ khoáng, hữu cơ khoáng vi sinh, phân NPK vi sinh. Đây là phương án giảm phát thải vi nhựa tối ưu nhất. Ngoài ra ở Việt Nam, do người dân có thói quen muốn cây lớn thật nhanh, mà nhanh thì dùng đạm nhiều và phải dùng phân tan nhanh gây bốc hơi, rửa trôi, đồng thời làm lãng phí phân bón và gây ra hiệu ứng nhà kính lớn,
“Chúng tôi có khảo sát với nông dân và nhận thấy họ rất quan tâm khí nhà kính, biến đổi khí hậu, nhưng họ chưa biết nhà sản xuất phân bón làm gì để bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Việc nông dân lựa chọn sử dụng phân bón tiên tiến, chất lượng cao hay sử dụng phân Lâm Thao sẽ được chúng tôi hướng dẫn chi tiết để hành động của nông dân hợp lý hơn, qua đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính mà mục tiêu quốc gia đã đề ra.
Phong Thái – Như Quỳnh