Người Bajau ở Đông Nam Á có khả năng lặn sâu 70m dưới biển và nhịn thở khoảng 13 phút nhờ ‘gene du mục biển’ đột biến.
Sống dọc theo bờ biển phía nam Philippines, Indonesia và Malaysia, hơn 1.000 năm qua, bộ lạc Bajau sống du mục trên những nhà thuyền, dành phần lớn cuộc đời của họ trên biển.
Họ có thể lặn tự do và câu cá bằng giáo, cũng như bơi lội rất giỏi.
Người Bajau đã trở thành những người đầu tiên được chứng minh sở hữu cấu trúc di truyền để thích nghi với việc lặn.
Phát biểu với BBC, Melissa Ilardo, từ Đại học Cambridge, cho biết: “Họ lặn liên tục trong 8 giờ mỗi ngày, dành khoảng 60% thời gian ở dưới nước”.
Ngoài kỹ năng trời cho, họ còn sở hữu một đột biến gene độc nhất vô nhị – được gọi là ‘gene du mục biển’. Họ cũng có lá lách cực lớn.
Nằm gần dạ dày, lá lách có kích thước bằng nắm tay, hoạt động như một “bể lặn” sinh học, dự trữ thêm oxy trong máu.
Khi cơ thể chìm trong nước, lá lách co bóp để bơm các tế bào hồng cầu đã được oxy hóa vào tuần hoàn, điều này có thể làm tăng lượng oxy trong máu con người lên 9%.
Nhờ có lá lách lớn hơn, người Bajau có lợi thế di truyền khi bơi lặn dưới nước.
Tiến sĩ Ilardo cho biết: “Không có nhiều thông tin về lá lách của con người về mặt sinh lý và di truyền, nhưng chúng tôi biết rằng hải cẩu lặn sâu, như hải cẩu Weddell, có lá lách lớn không cân xứng.
Chúng tôi tin rằng ở người Bajau, họ có sự thích nghi làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp và do đó làm tăng kích thước lá lách của họ”.
Tiến sĩ Ilardo và các đồng nghiệp phát hiện cả người lặn và người không lặn trong cộng đồng người Bajau đều có lá lách với kích thước tương tự nhau.
Điều này chỉ ra rằng lá lách to không chỉ đơn giản là hệ quả của việc lặn, mà là sản phẩm của quá trình tiến hóa.
Người ta rằng người Bajau có thể nhịn thở dưới nước tới 13 phút. Tuy nhiên, lối sống của họ hiện bị đe dọa và cộng đồng du mục biển duy nhất trên thế giới này đang dần biến mất.
Tính đến năm 2023, chỉ còn khoảng 100 – 200 người Bajau vẫn duy trì lối sống gắn liền với đại dương.
Lối sống du mục khiến họ gặp khó khăn để có được quyền công dân, cộng thêm việc đánh bắt cá thương mại đã tàn phá nguồn cung cấp thực phẩm của họ.
Theo Tuổi Trẻ