Anh Võ Tấn Trung, chủ bè nuôi tôm trên vịnh Vũng Rô , từ lâu nay đã tự giác thu gom rác thải của người nuôi tôm, chở vào bờ rồi hỗ trợ người mang đi xử lý.
Nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh đã dẫn đến tình trạng một lượng lớn chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tích tụ dưới đáy biển, trở thành nguồn ô nhiễm có thể nảy sinh các sự cố môi trường khi có sự cộng hưởng của các điều kiện môi trường cực đoan. Không những thế, hoạt động dân sinh tại các khu dân cư xung quanh đầm, vịnh cũng phát sinh một lượng nước thải và rác thải sinh hoạt nhưng chưa được thu gom, xử lý triệt để.
Tháng 7.2023, tỉnh Phú Yên đã huy động nguồn lực hỗ trợ từ Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại VN (WWF Việt Nam) triển khai dự án Giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường tại vịnh Vũng Rô với mục đích thu gom, xử lý rác thải lồng bè nuôi trồng thủy sản. Dự án đã hỗ trợ khoảng 790 túi lưới và gắn hơn 370 bảng nội quy quản lý rác thải tại các bè ở Vũng Rô, thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, TX.Đông Hòa, Phú Yên.
WWF Việt Nam cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức cho các chủ bè và người lao động về tác động của rác thải, trách nhiệm của các chủ bè, các quy định bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Từ dự án này, anh Võ Tấn Trung đã thay đổi nhận thức về tác hại của rác thải với môi trường, đặc biệt là môi trường nước ở vịnh Vũng Rô tác động đến lồng bè nuôi trên vịnh này. Anh Trung vừa nuôi tôm hùm, vừa bán thức ăn nuôi tôm, khách hàng thường xuyên của anh có hơn 80 chủ bè tôm. “Bây giờ bè của tôi là nơi để các chủ bè khác chuyển bao bì, rác thải về tập kết. Sau khi tập kết, tôi phân loại bao bì đựng thức ăn có thể tận dụng lại, còn rác thải thì chuyển vào bờ để xe chở đến bãi rác của TX.Đông Hòa xử lý”, anh Trung cho biết.
Để xe đến gom rác đều đặn, anh Trung đã hỗ trợ thêm cho lực lượng thu gom, vận chuyển rác trong bờ 1 triệu đồng/tháng. “Hiện vẫn còn một số chủ bè, người lao động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vũng Rô thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi xuống vịnh, đặc biệt là các túi ni lông đựng thức ăn nuôi tôm. Tuy nhiên đây là số ít và tôi tin họ sẽ thay đổi, vì đa số các chủ bè ở đây không đồng tình với hành vi xả rác này và đã thành lập một nhóm theo dõi để nếu phát hiện có trường hợp vứt rác xuống vịnh sẽ quay clip gửi cơ quan chức năng xử lý”, anh Trung nói.
Ông Trần Kim Trọng, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam, cho biết có khoảng 80% chủ bè ở Vũng Rô đã thực hiện việc mang rác thải phát sinh từ nuôi trồng thủy sản vào bờ, bỏ vào các thùng chứa do địa phương bố trí. “Các chủ bè đều ý thức như anh Trung thì môi trường biển ở vịnh Vũng Rô sẽ sạch, đẹp”, ông Trọng nói.
Theo ông Trọng, chính quyền địa phương đã vận động các chủ bè thực hiện thu gom, mang rác thải vào bờ, để đúng nơi quy định và ký cam kết với gần 400 chủ bè. UBND xã Hòa Xuân Nam cũng đã xây dựng bãi tập kết rác khoảng 100 m2, bố trí thùng đựng rác tại các điểm tập kết, lắp đặt 4 pano tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các điểm tập kết rác và đã hợp đồng với công ty môi trường thu gom, vận chuyển rác với tần suất 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 2,6 tấn.
Theo Thanh Niên