Trong nửa đầu năm 2025, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt tại thị trường Mỹ – một trong những thị trường khó tính và cạnh tranh nhất – giá trị xuất khẩu đạt 341 triệu USD, tăng 13%.

Điểm sáng nổi bật là giá tôm Việt Nam tại Mỹ đạt mức cao nhất trong nhóm các nước cung cấp chính, trung bình 11,22 USD/kg (tháng 5/2025). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mức giá này phản ánh định vị cao cấp và sự khác biệt của tôm Việt trong dòng sản phẩm chế biến sâu, tiện lợi – thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ như Ấn Độ hay Ecuador.
Tại Mỹ, nhóm sản phẩm tôm đông lạnh bóc vỏ có sức tiêu thụ mạnh nhất, với 173.000 tấn trong 5 tháng đầu năm, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Trong khi đó, Việt Nam cung ứng khoảng 21.000 tấn, đứng thứ tư nhưng chiếm lĩnh phân khúc cao cấp.
Tuy nhiên, thách thức cũng đang bủa vây. VASEP cho biết thị trường đang chịu tác động của thuế quan mới và biến động thương mại. Mức thuế đối ứng tạm thời với tôm Việt Nam là 20%, bên cạnh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp vẫn đang được áp dụng. Dù vậy, nếu giữ vững chất lượng, tôm Việt vẫn có thể duy trì vị thế tại những thị trường đòi hỏi khắt khe như Mỹ.
Thành công của ngành tôm Việt tại thị trường Mỹ không chỉ là câu chuyện thương mại, mà còn là cơ hội định hình mô hình phát triển thủy sản gắn với bảo vệ biển và sinh kế bền vững.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và suy giảm đa dạng sinh học, việc đẩy mạnh nuôi trồng có kiểm soát, giảm phụ thuộc vào kháng sinh, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn và chất lượng nguồn nước ven biển chính là chìa khóa để ngành tôm không “phát triển nóng”.
Việt Nam có thể học hỏi mô hình nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau – nơi nông dân cùng doanh nghiệp và tổ chức bảo tồn quốc tế vận hành chuỗi tôm – rừng – sinh kế hiệu quả. Đây là minh chứng cho một tương lai nơi “tôm sạch, biển lành” là cốt lõi của thương hiệu Việt.
PV