Trong bối cảnh hiện nay, hàng loạt thương hiệu đang “gắn mác xanh” cho sản phẩm của mình như một cách để chinh phục người tiêu dùng, nhưng không phải mọi thông điệp đều đi kèm hành động thiết thực.

Một báo cáo năm 2023 của Changing Markets Foundation cho biết: “Hơn 59% thông điệp về môi trường của các thương hiệu thời trang nhanh là gây hiểu lầm hoặc không được chứng minh bằng dữ liệu.” Điều này cho thấy người tiêu dùng cần thận trọng hơn để phân biệt giữa những thương hiệu thực sự tạo tác động và những chiến dịch “greenwashing” (là hành vi đánh lừa người tiêu dùng bằng cách quảng bá sai lệch hoặc phóng đại mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu).đánh vào lòng tin.
Vậy, chúng ta cần nhìn vào đâu để đánh giá đúng một thương hiệu bền vững?
Minh bạch mục tiêu và lộ trình hành động cụ thể
Một thương hiệu có trách nhiệm phải công khai rõ ràng các mục tiêu phát triển bền vững – như giảm phát thải, sử dụng bao bì tái chế, hay giảm thiểu chất thải nhựa. Không chỉ là lời nói, mà phải là cam kết có thời hạn, số liệu đo lường, và được giám sát độc lập. Theo Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), “minh bạch là yếu tố cốt lõi để xây dựng niềm tin trong quá trình chuyển đổi xanh”.
Hành động trong toàn chuỗi giá trị
Từ lựa chọn nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, đến vận chuyển và đóng gói, mọi khâu đều cần đặt yếu tố bền vững làm trọng tâm. Bài viết trên Tạp chí Biển và Cuộc sống nhấn mạnh rằng: “Nguồn nguyên liệu xanh đang là nút thắt lớn nhất trên hành trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Nếu không giải quyết được điều này, mọi nỗ lực ở các khâu sau đều trở nên hình thức.”
Điều đó có nghĩa là, một doanh nghiệp thực sự bền vững không thể chỉ dừng ở việc sử dụng bao bì giấy hay tung ra chiến dịch truyền thông. Họ cần đầu tư vào liên kết với nhà cung cấp nguyên liệu thân thiện môi trường, hỗ trợ nông dân, ngư dân hoặc nhà sản xuất bản địa trong chuỗi giá trị.
Tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo
Một ví dụ điển hình là Patagonia, thương hiệu thời trang ngoài trời nổi tiếng với việc khuyến khích khách hàng sửa chữa sản phẩm thay vì mua mới, hoặc IKEA cam kết toàn bộ sản phẩm sẽ được thiết kế theo nguyên tắc tuần hoàn vào năm 2030.
Ở Việt Nam, công ty như Vạn Đức Tiền Giang đã triển khai mô hình xử lý nước thải và tái sử dụng phụ phẩm trong chế biến thủy sản, được Tổ chức WWF đánh giá là “hình mẫu tiềm năng về sản xuất bền vững ngành thủy sản”.
Tác động thực tế và lan tỏa cộng đồng
Một thương hiệu đáng tin không chỉ đạt được những chỉ số môi trường tốt mà còn giúp cộng đồng xung quanh cùng phát triển. Chuyên gia Nguyễn Văn Hồng (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn – IPSARD) nhận định: “Sức mạnh lan tỏa đến từ các doanh nghiệp có khả năng nâng cao năng lực đối tác trong chuỗi cung ứng – từ nông dân đến nhà phân phối – mới là hướng phát triển bền vững lâu dài.”
Hướng dẫn lựa chọn và đồng hành cùng thương hiệu có trách nhiệm
Để nhận diện và ủng hộ doanh nghiệp có mục tiêu rõ ràng, người tiêu dùng nên:
Yêu cầu sự minh bạch: Đọc kỹ báo cáo phát triển bền vững, thông tin chứng chỉ từ các tổ chức như GRI, ISO 14001, B Corp…
Đánh giá chuỗi cung ứng toàn diện: Xem thương hiệu có công bố thông tin về nhà cung cấp, nguồn gốc nguyên liệu, quy trình xử lý rác thải hay không.
Ủng hộ doanh nghiệp có tác động cộng đồng: Ưu tiên sản phẩm của thương hiệu gắn với chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng bản địa.
Dựa vào tổ chức độc lập: Theo dõi các đánh giá từ WWF, Greenpeace, hoặc các tổ chức kiểm định quốc tế để tránh bị đánh lừa bởi hình thức bên ngoài.
Một thương hiệu “có tác động” không chỉ gắn mác xanh, mà cần có hành động thực tế, đo lường được, minh bạch, và lan tỏa giá trị tích cực đến toàn xã hội. Sự lựa chọn của người tiêu dùng chính là tiếng nói mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế xanh, công bằng và có trách nhiệm hơn.
Hoàng Nguyên