Khi cơn khát nguyên liệu xanh của các doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp bách, biển – nơi từng được coi là tài nguyên vô tận – lại đang phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề. Từ rác thải nhựa chưa qua xử lý đến hệ sinh thái bị tổn thương, đại dương đang dần trở thành nạn nhân thầm lặng của một hành trình chuyển đổi còn nhiều bất cập – trong đó, bài toán về nguồn nguyên liệu bền vững là nút thắt then chốt chưa được tháo gỡ.

Khát vọng chuyển đổi xanh và nút thắt từ “điểm xuất phát”
Trên hành trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam – từ các tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – đang nỗ lực chuyển mình theo hướng xanh hóa. Tuy nhiên, như được nhấn mạnh tại Diễn đàn “Tiêu dùng bền vững hướng đến Kỷ nguyên xanh 2025”, một thách thức lớn vẫn hiện hữu: thiếu hụt nguồn nguyên liệu xanh chất lượng và ổn định.
Chuyển đổi xanh không chỉ là thay đổi công nghệ hay tiết kiệm năng lượng, mà bắt đầu từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào – một khâu tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa vô vàn khó khăn. Những nguyên liệu thân thiện môi trường như nhựa tái chế chất lượng cao, nguyên liệu sinh học, hay vật liệu có khả năng phân hủy sinh học đều chưa phổ biến, trong khi chuỗi cung ứng nội địa còn yếu và thiếu bền vững.
Thực trạng phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ, hạ tầng xử lý còn manh mún, khiến chất lượng nguyên liệu tái chế kém và chi phí bị đội lên. Đây chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguyên liệu xanh với giá hợp lý, làm suy giảm sức cạnh tranh của sản xuất bền vững – và hệ quả sau cùng là lượng lớn rác thải không được tái chế vẫn tiếp tục đổ ra biển.
Unilever: Tấm gương tiên phong, nhưng vẫn gặp sóng gió
Tại diễn đàn, bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam, thẳng thắn chia sẻ: “Nguồn nguyên liệu sạch tại Việt Nam không có nhiều. Mặc dù Unilever đã có mặt tại Việt Nam hơn 30 năm với nhiều cam kết mạnh mẽ về giảm nhựa, giảm phát thải carbon, và hơn 70% bao bì hiện nay đã có thể tái chế, họ vẫn gặp không ít trở ngại trong việc tiếp cận nhựa tái chế đạt chuẩn.
Không chỉ khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu an toàn, đạt yêu cầu về mùi và màu, Unilever còn phải chủ động đầu tư vào truyền thông cộng đồng, hỗ trợ nhà tái chế nội địa, và thậm chí mua lại đầu ra từ người làm nghề thu gom ve chai.
Mỗi năm, Unilever thu gom 13.000–15.000 tấn rác nhựa, nhưng theo bà Nhi, đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Nếu một tập đoàn lớn, có nguồn lực dồi dào như Unilever còn loay hoay giữa cơn khát nguyên liệu xanh, thì hành trình này với các SMEs chắc chắn còn nhiều gian truân hơn.
Doanh nghiệp nhỏ: Mỏi mòn trên hành trình ra khơi xanh hóa
Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ – vốn chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam – thiếu cả nhận thức, nguồn lực lẫn công nghệ để bắt kịp yêu cầu xanh hóa từ thị trường quốc tế. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đa phần SMEs vẫn rất mơ hồ về khái niệm ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), trong khi đây lại là nền tảng đánh giá mức độ bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc tiếp cận nguyên liệu tái chế, an toàn cho môi trường không chỉ khó khăn về kỹ thuật mà còn bị hạn chế bởi chi phí và quy mô. Với những đơn vị sản xuất nhỏ, việc mua nguyên liệu xanh thường không khả thi do thiếu ưu đãi và thiếu liên kết chuỗi.
Điều này dẫn đến hệ lụy kéo dài: rác thải phát sinh không được xử lý, tiếp tục đổ ra biển, tích tụ trong các hệ sinh thái ven bờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống sinh kế của cộng đồng ven biển.
Đại dương đang chịu áp lực từ đất liền
Biển – tưởng như xa xôi với các nhà máy nội địa – lại chính là nơi hứng chịu hệ quả cuối cùng của chuỗi sản xuất thiếu bền vững. Theo nhiều nghiên cứu, một lượng lớn rác thải nhựa trôi ra đại dương mỗi năm có nguồn gốc từ các khu công nghiệp và sinh hoạt nội địa, do thiếu phân loại tại nguồn và hệ thống tái chế hiệu quả.
Rác nhựa không chỉ đe dọa đa dạng sinh học biển, làm tổn hại đến hệ sinh thái san hô và các loài sinh vật, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế biển, đặc biệt là du lịch và thủy sản – hai ngành sinh kế chính của nhiều tỉnh ven biển.
Giải pháp từ cộng đồng đến chính sách
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đồng thuận rằng công nghệ xanh là chìa khóa để giải quyết bài toán kép: vừa giảm phát thải, vừa sử dụng hiệu quả nguyên liệu tái chế. Song song, cần đẩy mạnh minh bạch thông tin để người tiêu dùng biết, hiểu và lựa chọn đúng sản phẩm xanh – tạo áp lực tích cực lên thị trường.
Về phía chính sách, đại diện Unilever và các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị: Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư công nghệ tái chế xanh, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp xanh hóa, và phát triển hạ tầng phân loại rác tại nguồn. Chỉ khi “điểm xuất phát” được cải thiện, hành trình chuyển đổi mới có thể ra khơi vững vàng.
Hành trình xanh không thể để biển lặng lẽ trả giá
Nếu không có những hành động mạnh mẽ từ cả khu vực công – tư và cộng đồng, biển Việt Nam sẽ tiếp tục gánh chịu hậu quả của một chuỗi sản xuất chưa trọn vẹn, trong đó nguyên liệu xanh không chỉ là điều kiện kinh tế, mà còn là một cam kết đạo đức với thiên nhiên và thế hệ tương lai.
Như ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, đã khẳng định: “Không có doanh nghiệp nào phát triển bền vững nếu không đóng góp vào sự bền vững của xã hội – trong đó có môi trường biển.”
Hoàng Nguyên