Dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn” do UNDP tài trợ
Dự án áp dụng với các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tại các Cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan. Theo báo cáo, trung bình 1 tháng 100 tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn phát sinh khoảng 1,97 tấn rác nhựa.
Dự kiến chương trình sẽ thí điểm khoảng 200 tàu cá. Các tàu cá này sẽ được trao thiết bị để hỗ trợ thu gom rác nhựa trên mỗi chuyến biển. Nhà kho thu gom rác nhựa tàu cá và Các thiết bị hỗ trợ chương trình này như máy ép, xe đẩy rác, thùng rác, giỏ đựng rác và đồ bảo hộ lao động đã được bàn giao cho Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn và Tổ thu gom rác nhựa của cảng.
Thông qua Tổ thu gom rác thải của cảng cá, các loại chất thải nhựa trên mỗi chuyến biển từ các tàu cá sẽ được thu gom đến nhà thu gom rác thải nhựa tại cảng cá Quy Nhơn để phân loại, vận chuyển đến cơ sở thu hồi vật liệu để tái chế.
Các Ban Quản lý Cảng cá, Tổ thu gom rác thải tàu cá, Chi cục Thủy sản phải thu gom và bàn giao, vận chuyển, khai báo và cập nhật số liệu, lập cơ sở dữ liệu và báo cáo về chất thải nhựa tàu cá.
Qua 3 tháng triển khai mô hình, đã có 77 tàu mang về bờ 430 kg rác thải nhựa (chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, bao bì thực phẩm…).
Mô hình thu gom rác thải nhựa tàu cá về bờ được đánh giá đã góp phần thúc đẩy việc thể chế hóa các quy định thu gom rác nhựa từ tàu cá, tạo sinh kế cho khối lao động phi chính thức và gia tăng chuỗi giá trị của các bao bì, sản phẩm nhựa.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản với việc ban hành Quyết định 89/QĐ-SNN, ngày 28/2/2024 về quy trình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá.