Do nằm ở khu vực nhạy cảm về sinh thái, đa dạng sinh học biển ở khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo báo cáo đánh giá của Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong giai đoạn 2021 – 2024, các rạn san hô đã và đang phải đối mặt với những tác động xấu. Nguyên nhân là sự bùng nổ của sao biển gai, tẩy trắng san hô, khai thác hải sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, khai thác các nhóm sinh vật ăn rong và một phần do rác thải dẫn đến hệ đa dạng sinh học biển bị đe dọa.
Kết quả quan trắc, giám sát hệ sinh thái san hô ở 10 trạm tại vùng biển Cù Lao Chàm trong năm 2024 cho thấy, độ phủ san hô sống trung bình toàn vùng tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng mật độ cá rạn và động vật đáy vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, mật độ các loài cá và động vật đáy sống trong thảm cỏ biển cũng chưa có dấu hiệu gia tăng.
Mô hình cộng đồng khai thác và bảo tồn cua đá hoạt động hơn 10 năm qua là một điểm sáng về cách thức bảo tồn cũng như cải thiện sinh kế người dân địa phương nhưng gần đây cũng gặp nhiều thách thức. Kết quả quan trắc cua đá cho thấy số lượng cá thể tức thời đang bị suy giảm ở mức đáng báo động, từ khoảng 27 nghìn cá thể (năm 2021) xuống còn khoảng 18,2 nghìn cá thể (năm 2024).
Theo ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh thái, mùa vụ và kích thước khai thác phù hợp nhóm cá ăn rong (cá mó, cá dìa, cá bánh lái, cầu gai đen…) làm cơ sở khoa học đề xuất xây dựng các quy định, tiến tới hạn chế khai thác các nhóm nguồn lợi này là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, các hoạt động diễn ra trong vùng nhạy cảm về mặt sinh thái như xây dựng công trình tại xã Cẩm Thanh và xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An) vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc về việc đánh giá tác động, rủi ro môi trường.
Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái quan trọng ở khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An chịu tác động mạnh từ các hoạt động kinh tế – xã hội ở ngoài phạm vi khu sinh quyển, chủ yếu là từ trong đất liền theo dòng chảy sông Thu Bồn. Đây là câu chuyện mang tính liên ngành, liên địa phương nên nhiều vấn đề đồng bộ trong công tác quản lý vẫn gặp khúc mắc thời gian qua.
Thông tin từ Bộ TN-MT, Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường tại các vùng biển Đông Á thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông tại các nước ASEAN” hợp phần tại Việt Nam do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác thông qua Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sẽ triển khai trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng biển ven bờ Quảng Nam – Đà Nẵng.
Dự án được thực hiện từ năm 2024 – 2027 với tổng kinh phí hơn 737 nghìn USD, áp dụng các giải pháp liên ngành bao gồm cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất thải rắn và duy trì dòng chảy môi trường được kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát đáng kể ô nhiễm môi trường, phục hồi đa dạng sinh học cho khu vực này
Theo báo Quảng Nam