Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan vừa diễn ra tại Cần Thơ diễn ra trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Đây được xem bước tiến mới trong hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia, với các giải pháp công nghệ tiên tiến và mô hình quản lý bền vững, hứa hẹn thúc đẩy ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ, ổn định và bền vững trong tương lai.
Diễn đàn với chủ đề “Giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp tổ chức.
Việt Nam và Hà Lan có lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Hà Lan, quốc gia hàng đầu thế giới về quản lý nước và phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản, đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trong việc chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến.
Thông qua chương trình Combi-track, Hà Lan đã giới thiệu phương thức tiếp cận tích hợp, kết hợp các yếu tố công nghệ, thương mại và đầu tư, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long
Chương trình Combi-track tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chi phí thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống quản lý nước tự động, kiểm soát môi trường nuôi và quản lý dịch bệnh bằng mô hình “Tam giác gây bệnh”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến , sự hợp tác này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mô hình “Tam giác gây bệnh” là một trong những giải pháp đột phá được giới thiệu tại diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hà Lan. Đây là phương pháp kiểm soát dịch bệnh dựa trên sự kết hợp giữa vật chủ, mầm bệnh và môi trường. Việc áp dụng mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch bệnh trong các hệ thống nuôi trồng, đặc biệt là tôm và cá tra – hai loài thủy sản chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long.
Các chuyên gia đồng tình rằng việc kiểm soát đồng thời cả ba yếu tố trong “tam giác gây bệnh” là một thách thức lớn. Dù nông dân có thể sử dụng các thiết bị hiện đại để quản lý môi trường nuôi, nhưng kiểm soát chất lượng con giống vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng do nguồn cung phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nước ngoài.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành thủy sản trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Ông cho biết: “Để ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL, chúng ta cần xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại, có quy mô lớn và sức cạnh tranh cao, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế như Hà Lan.”
PV