Biển Đông có những tuyến đường vận chuyển năng lượng chiến lược nhất thế giới, phục vụ cho thương mại hàng hải giữa Đông Á và Nam Á, vịnh Ba Tư, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.
Do tính chất duyên hải của hầu hết các quốc gia trong vùng lân cận Biển Đông mà phần lớn thương mại nội khu vực phụ thuộc vào những lộ trình vận chuyển ở biển này, cũng như hầu hết thương mại giữa các nước trong khu vực và phần còn lại của thế giới.
Nói một cách đơn giản, thương mại hàng hải trong khu vực Biển Đông và rất nhiều khu vực kinh tế khác sẽ không phát triển mạnh mẽ nếu không có những hành lan an toàn của Biển Đông.
Các tàu buôn (tính theo trọng tải) ở Biển Đông chủ yếu vận chuyển nguyên liệu thô tới các quốc gia Đông Á, tuy nhiên, tỉ lệ vận chuyển hàng hóa trong container đang gia tăng rất nhanh. Khu vực này bao gồm một số quốc gia có hoạt động thương mại dẫn đầu thế giới, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – những nướcxuất khẩu tất cả các loại hàng hóa sản xuất tới các nơi còn lại của thế giới và cũng nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thô, phục vụ số dân khổng lồ và nền kinh tế đang bùng nổ.
Hiện tượng nhập linh kiện phụ tùng đã khiến cho các hoạt động sản xuất và lắp ráp phát triển mạnh mẽ với hàng loạt sản phẩm được đánh giá cao trong khu vực biển Đông với chi phí thấp hơn so với những nền kinh tế tiên tiến. Điều này cùng với tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng của những quốc gia trong khu vực biển Đông, đã tạo động lực thúc đẩy thương mại, vận chuyển container khu vực gia tăng ở mức đáng kinh ngạc.
Vì thế, không có gì bất ngờ khi biển Đông sở hữu những con số nổi bật trong thế giới thương mại hàng hải thông qua những đóng góp của khu vực với hạm đội tàu buôn thế giới. Tăng trưởng ấn tượng của các nền kinh tế khu vực đã thúc đẩy công suất hạm đội tàu buôn của các nước với mục tiêu mở rộng kênh thương mại và và gia tăng trọng tải vận chuyển để hỗ trợ thương mại đang phát triển mạnh.
Với vai trò của mình, Biển Đông như một trung tâm vận chuyển và thương mại đường biển chính của thế giới. Trước đây, trung tâm thương mại hàng hải và vận chuyển từng ở phía tây, và nay đã dịch chuyển sang phía đông, một phần bởi tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế thần kỳ của các quốc gia trong vùng biển này.
Việc phát triển mạnh mẽ thương mại toàn cầu trước cuộc suy thoái hiện nay, các chính sách ủng hộ kinh doanh, cơ sở hạ tầng hàng hải và thương mại được mở rộng nhanh chóng, toàn cầu hóa và tự do hóa đã góp phần làm bùng nổ tăng trưởng thương mại đường biển trong khu vực biển Đông và các nền kinh tế duyên hải của khu vực trong suốt thập niên qua.
Các giai đoạn khác nhau của tăng trưởng kinh tế trong khu vực – gọi là tăng trưởng của Nhật và Hàn Quốc sau Thế chiến II, sự trỗi dậy của Singapore và Hong Kong như các trung tâm vận chuyển thương mại chính và hiện tượng của “các con hổ châu Á” như Malaysia và Thái Lan – tất cả đều trùng khớp với tốc độ phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực vận chuyển, buôn bán đường biển để hỗ trợ ngành thương mại đang không ngừng mở rộng.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường kinh tế đã mang tới động lực lớn thúc đẩy thương mại đường biển và tăng trưởng của lĩnh vực hàng hải tại Biển Đông cũng như vùng phụ cận. Rất nhiều quốc gia trong khu vực biển Đông ngày càng nhận thức được rằng, đạt được khả năng tự cung tự cấp trong vận chuyển là điều kiện sống còn để đảm bảo và nâng cao tính cạnh tranh thương mại của họ.
Nhiều quốc gia đang phát triển trong số này cũng lưu tâm tới việc cần thiết thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào các hãng vận chuyển đường biển nước ngoài cũng như dịch vụ hàng hải của họ.
Khu vực Biển Đông chiếm tỉ lệ rất lớn trong nhu cầu thế giới về các hạng mục hàng hóa và đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tỉ lệ vận chuyển trọng tải hàng hóa lên mức cao kỷ lục năm 2008.
Các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa khô như than đá và quặng sắt từ Australia và Brazil, cũng như ngũ cốc tới các quốc gia Đông Á khát năng lượng, đang phát triển nhanh chóng và đông đúc cư dân, tạo ra sự tăng trưởng trong vận chuyển hàng hóa trước cuộc suy thoái toàn cầu.
Nhu cầu các loại hàng hóa khô ngày càng gia tăng từ các quốc gia trongkhu vực như ngũ cốc để đáp ứng tốc độ gia tăng dân số, hay quặng sắt và than đá để hỗ trọ quá trình công nghiệp hóa và tốc độ xây dựng đang diễn ra nhanh chóng, dẫn tới sự tăng trưởng tương ứng trong phân khúc trọng tải hàng hóa.
Tự do hóa thương mại, phát triển hàng hải và cơ sở hạ tầng thương mại, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và xu thế các công ty đa quốc gia khi chuyển các hoạt động của họ tới nhiều quốc gia trong khu vực này đã cùng tạo động lực cho tăng trưởng trong thương mại, vận chuyển container khu vực.
Với hàng hóa nói chung, nhu cầu khổng lồ từ khu vực Biển Đông với các hạng mục như hàng hóa đông lạnh và hàng chuyên dụng đã góp phần làm gia tăng trọng tải của các tàu chở hàng nói chung.
Các cảng và lĩnh vực vận chuyển tại Biển Đông đã mở rộng nhanh chóng khi kênh thương mại song phương của các quốc gia khu vực, thương mại nội vùng và thương mại của khu vực với các khu vực kinh tế khác tiếp tục phát triển ở tỉ lệ ấn tượng.
Một số quốc gia của khu vực Biển Đông đã nổi lên như những quốc gia hàng hải dẫn đầu thế giới, nhờ việc phát triển đội thương thuyền của họ và việc gia tăng các kênh giao dịch với các đối tác thương mại chính. Số lượng tàu thuyền ghé vào các cảng trong khu vực, rất nhiều trong số này vận chuyển hàng hóa phục vụ thương mại nội vùng, đã gia tăng đáng kể trong những năm qua.
Thương mại nội vùng đang phát triển và việc thúc đẩy các sáng kiến thương mại, vận chuyển trong khu vực Biển Đông như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN giữa Brunei-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP-EAGA) đã có tác động đáng kể với tăng trưởng thương mại hàng hải và phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải trong khu vực.
Các khoản đầu tư lớn đã được đổ vào lĩnh vực hàng hải trong khu vực Biển Đông để tạo điều kiện cho thương mại phát triển của các quốc gia duyên hải. Sự phát triển mạnh mẽ của các cảng và hoạt động vận chuyển trong khu vực những năm qua đã nhấn mạnh giá trị của lĩnh vực hàng hải với phát triển kinh tế – xã hội khu vực.
Các cảng, vận chuyển và dịch vụ phụ trợ hàng hải được công nhận là những yếu tố sống còn của thương mại khu vực, mang ý nghĩa quyết định cho sự thịnh vượng kinh tế và phúc lợi con người. Mặc dù tăng trưởng trong thương mại hàng hải và lĩnh vực vận chuyển của khu vực Biển Đông chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng không nên hoài nghi rằng, khối lượng thương mại và nhu cầu vận chuyển thương mại sẽ phục hồi khi những thị trường tài chính phục hồi và kinh tế thế giới trở lại đúng hướng.
Với ước tính 80% thương mại thế giới được thực hiện bởi cách vận chuyển qua đường biển và khu vực Biển Đông chiếm phần lớn trong thương mại toàn cầu, viễn cảnh dài hạn cho thương mại hàng hải và lĩnh vực vận chuyển của khu vực luôn luôn là đáng hứa hẹn.