Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Chiều 15/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo của 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Mở đầu hội nghị, nêu rõ vị trí, vai trò, truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng phát triển và sự quan tâm của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời phân tích bối cảnh tình hình, xu hướng phát triển của thế giới, trong đó có vấn đề an ninh lương thực, sản xuất sạch, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta; sản xuất lúa gạo không chỉ có vai trò thiết yếu đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Thủ tướng, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phê duyệt tháng 11/2023 đến nay đã triển khai được gần 1 năm.
Đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0” theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong cả nhận thức và hành động; quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; cơ chế, chính sách, về việc huy động, bố trí nguồn lực triển khai Đề án…
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Hội nghị, các bộ, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án; nêu rõ những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.
Trong đó nêu rõ các kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc là gì, nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của ai, cơ quan nào để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả, đạt mục tiêu Đề án đề ra.
Thủ tướng lưu ý, trong từng giải pháp cần phải nêu rõ các căn cứ chính trị; cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn; phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”, đồng thời bảo đảm có công cụ để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, không nói chung chung.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Sau gần 1 năm, các bộ, ngành, địa phương vùng đã tập trung triển khai Đề án. Trong đó, đã ban hành các văn bản pháp lý thực hiện Đề án; lựa chọn, xây dựng vùng tham gia Đề án; rà soát, áp dụng các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức lại sản xuất và tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình thí điểm chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các dự án, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới cho Đề án…/.
Theo TTXVN