Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An) cho biết, theo quy định, nghề mành đèn không được phép khai thác tại vùng biển Cù Lao Chàm.
Gần đây, tình hình vi phạm vùng khai thác thủy sản trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được ghi nhận có liên quan nhiều đến nghề lưới rê và mành đèn; trong đó, nghề lưới rê có 4 lượt và nghề mành đèn 2 lượt vi phạm. Các trường hợp này chủ yếu là ngư dân đến từ phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) và xã Bình Minh (huyện Thăng Bình).
Bà Tạ Thị Thanh Thảo – cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, nghề lưới rê có 3 loại gồm rê tầng mặt (rê nổi), rê tầng giữa (tức lưới cản) và rê tầng đáy (lưới quét).
Tại vùng biển Cù Lao Chàm, ngư dân thường sử dụng lưới rê tầng mặt để khai thác các loại cá tầng nổi như cá chim, cá chang,… và dùng lưới này vào mùa cá chim là chủ yếu nên có tên gọi khác là lưới chim.
Nghề mành đèn hoạt động theo nguyên lý dùng ánh sáng để thu hút đàn cá vào ban đêm; thường đánh bắt cá nhỏ như cá cơm, cá nục, cá trác, cá bạc má, cá de…
“Theo quy định của Bộ NN&PTNT, nghề mành đèn xếp vào loại nghề, ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) không được phép hoạt động trong phạm vi vùng ven bờ, chỉ được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi. Trong khi đó, toàn bộ phạm vi của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được quy định là vùng biển ven bờ” – bà Thảo nói.
Được biết, tại Cù Lao Chàm hiện có 15 phương tiện khai thác thủy sản bằng nghề mành đèn và lưới chim. Đối với nghề mành đèn, theo quy định không được phép khai thác tại vùng biển Cù Lao Chàm. Riêng nghề lưới chim, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang nghiên cứu xem xét lại vùng hoạt động để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các ngành nghề khai thác thủy sản.
Theo báo Quảng Nam