Sau khi công ty làm tour du lịch trải nghiệm Đảo Ngọc (đảo Sơn Chà) bị đình chỉ do không đủ điều kiện hoạt động, du lịch biển đảo tại Phú Lộc càng thiếu dịch vụ giữa muôn trùng tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều rất trăn trở về điều này.
Doanh nghiệp sẵn lòng, nhưng dịch vụ vẫn thiếu
Thường xuyên về Phú Lộc và trò chuyện với nhiều du khách, một chia sẻ khá phổ biến, cũng là thắc mắc của không ít người là tại sao Phú Lộc có nhiều tiềm năng, nhất là du lịch biển đảo nhưng dịch vụ còn nghèo.
Anh Nguyễn Thành Lương, du khách từ Gia Lai chia sẻ: “Tôi ở miền núi nên rất thích biển và đi nhiều bãi biển. Biển đảo ở Phú Lộc, nhất là Lăng Cô rất đẹp, nhưng thực tế không tìm ra tour tuyến hay dịch vụ nào để ở lại trải nghiệm. Đến đây là chỉ để tắm biển, thưởng thức hải sản, tôi vẫn cảm thấy luyến tiếc”.
Những du khách đã từng trải nghiệm tour du lịch Đảo Ngọc lại có thêm đánh giá khác. Chị Hoài An, người từng tham gia trải nghiệm này chia sẻ: “Đáng lẽ ra, Phú Lộc đã có một tour du lịch biển đảo rất thú vị. Tiếc rằng, tour trải nghiệm mà tôi thấy ấn tượng nhất về du lịch biển đảo nơi đây lại ngưng hoạt động”.
Trước đây, Công ty Du lịch Lăng Cô Biển Xanh (LCBX) do ông Trần Quốc Hưng làm đại diện đi vào hoạt động năm 2015 đã mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du lịch biển đảo nơi đây.
Thời điểm hoạt động, tour du lịch trải nghiệm Đảo Ngọc của công ty với các hoạt động lặn biển, ngắm san hô, săn bắt cá và cùng nhau chế biến, thưởng thức các món hải sản do chính người trải nghiệm đánh bắt.
Những buổi tối lưu trú trên Bãi Chuối, sớm mai dậy ngắm bình minh đã thu hút được sự quan tâm của số đông du khách. Đáng tiếc là đến tháng 7/2022 thì công ty bị đình chỉ hoạt động, do không đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, chính quyền địa phương rất trăn trở trước tâm huyết của doanh nghiệp nói riêng và mong muốn phát triển dịch vụ, tour tuyến du lịch nói chung. Thực tế là chính quyền địa phương, các ban ngành luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên, việc hoạt động phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cũng chia sẻ, sau vụ chìm ca nô ở vùng biển Cửa Đại (Quảng Nam) làm 17 người thiệt mạng vào tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, trong đó yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải địa phương kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm. Theo đó, quá trình rà soát, doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện, nên buộc phải đình chỉ hoạt động.
Điều kiện thiếu nói trên là phải có bến thuyền du lịch và phải được được cơ quan chức năng phân cấp luồng, lạch, tuyến cho tàu thuyền ra đảo. Đây là điều kiện khó, đặc biệt là đầu tư bến thuyền cần kinh phí lớn. Mặt khác, theo chính quyền địa phương nơi đây lại vướng quy hoạch chung khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nên khó lại càng thêm khó.
Sớm gỡ khó để phát triển du lịch
Gặp lại anh Trần Quốc Hưng trong một ngày tháng 7/2024, “máu nghề nghiệp” của vị doanh nhân này vẫn còn sục sôi. Anh bảo: “Nếu cho tôi làm, nếu địa phương hoặc các ban ngành hướng dẫn tìm cách phối hợp giải quyết, tôi sẽ sẵn sàng làm tiếp, vay mượn cũng cố để đầu tư”.
Đem tâm huyết của anh Hưng trao đổi với nhiều ban ngành, các đơn vị đều khẳng định mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tỉnh nhà.
Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế – công nghiệp tỉnh chia sẻ, về vấn đề quy hoạch bến thuyền, đơn vị đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện làm quy hoạch bổ sung và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chủ trương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Lo lắng nhất là kinh phí đầu tư lớn, không dễ để xây dựng bến thuyền.
Ông Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: “Lãnh đạo UBND huyện, trong đó bản thân tôi cũng đã có 3 phiên làm việc với các sở, ngành liên quan. Quan điểm chung là rất ủng hộ doanh nghiệp, vì Phú Lộc cần những dịch vụ, tour tuyến để phát triển du lịch.
Cái khó là thủ tục khá rườm rà, vì liên quan nhiều đơn vị, sở, ngành. Về thẩm quyền của huyện, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất, đúng theo quy định của pháp luật”.
Về phần ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Nếu doanh nghiệp được phép vận hành dịch vụ, sở sẵn sàng hỗ trợ kết nối tour tuyến, giới thiệu với các đơn vị có liên quan và hỗ trợ công tác quảng bá du lịch.
Hiện nay, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cũng đang rà soát, đảm bảo các điều kiện để hướng dẫn các doanh nghiệp có thể đầu tư dịch vụ.
Chắc chắn việc đầu tư dịch vụ để khai thác phát triển du lịch nơi đây đòi hỏi kinh phí lớn, nhiều công sức, nảy sinh không ít khó khăn, nhưng với những gì mà chính quyền địa phương, các sở, ngành và doanh nghiệp đã nói, rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ để sớm gỡ khó, phát triển du lịch.
Kiểm soát việc đưa du khách lên đảo
Trước thông tin một số đơn vị lữ hành rao bán tour du lịch Đảo Ngọc – Sơn Chà khởi hành từ Đà Nẵng, Trung tá Lê Ngọc Nhẫn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô cho biết, hiện trên đảo đã có lực lượng Trạm Kiểm soát biên phòng đảo Sơn Chà.
Thực hiện nhiệm vụ, Đồn Biên phòng Lăng Cô cũng nắm bắt thông tin trên, tuy nhiên qua theo dõi của lực lượng tại Trạm, những năm gần đây, ngoài các chuyến khảo sát của các đơn vị chức năng, không có đơn vị lữ hành của các doanh nghiệp từ Đà Nẵng đưa khách lên đảo. Họ chỉ đưa khách đến các địa phận thuộc Đà Nẵng.
Theo báo Thừa Thiên Huế